Trước thông tin ông Hòa được đồng ý cho thử nghiệm tàu ngầm ở biển, ông Bùi Hiển cũng mong trực thăng của mình sẽ được cho phép thử bay.
Sau khi tàu ngầm mini Hoàng Sa nhận được sự ủng hộ về chủ trương cho thử nghiệm ở biển của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, chia sẻ với Đất Việt, ngày 3/3, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết: "Tôi đang thay đổi một số chi tiết trên con tàu chuẩn bị cho việc thử nghiệm ở biển, đồng thời lên kế hoạch thử nghiệm chi tiết gửi lên UBND tỉnh".
Bên cạnh đó, theo ông Hòa tiết lộ thì các thay đổi chủ yếu là ở bên trong của con tàu, còn thiết kế bên ngoài không có quá nhiều thay đổi.
"Cụ thể, tôi cũng có thay đổi công nghệ chế tạo, vật liệu chế tạo, quy trình lặn nổi, xử lý sự cố", ông chỉ rõ.
Trong khi đó, trước thông tin đáng mừng trên, kỹ sư Hoàng Hùng - Phó Chủ tịch Kiêm tổng Thư ký Hội Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cho biết: "Việc Chủ tịch UBND tỉnh ủng hộ việc thử nghiệm dưới biển của ông Hòa là rất đáng mừng.
Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, đáng lẽ, ông Hòa còn cần phải có sự ủng hộ của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Bình, bởi đây mới là người có tiếng nói quan trọng, đứng ra thuyết trình giúp ông Hòa về thiết kế.
Còn để thử nghiệm được, tôi chắc chắn con tàu sẽ phải được sự cho phép của lực lượng đăng kiểm. Sắp tới, phía Hiệp hội của chúng tôi cũng đã lên kế hoạch yêu cầu các phía cơ quan chức năng, tạo mọi điều kiện cho các nhà khoa học như ông Hòa được thử nghiệm trong phạm vi cho phép".
Tàu ngầm mini Hoàng Sa được đồng ý chủ trương thử nghiệm dưới biển |
Theo ông Hùng, bất cứ một phát minh khoa học nào cũng đều nên được cho phpp thử nghiệm ngoài môi trường tự nhiên, rất cần ủng hộ.
"Bản thân tôi rất hoan nghênh những con người yêu khoa học như ông Hòa, đó là một người dám nghĩ, dám làm và đã đạt được những thành công tính cho đến hiện nay", ông Hùng nói.
Cũng đưa ra quan điểm về việc này, kỹ sư Đỗ Thái Bình cho rằng, nếu như ở các nước, thì ông Hòa không cần phải xin ý kiến các cấp, có thể tự quyết định thử nghiệm ở biển, vì đây chỉ là phương tiện lặn khoảng mấy chục mét. Hơn nữa, điều họ quan tâm nhất là người điều khiển có an toàn hay không, có ảnh hưởng đến người khác, hệ thống sông ngòi hay không.
Thế nhưng, đã là những người sáng chế khoa học, họ sẽ cảm tử, sẵn sàng chết vì sản phẩm của mình. Nhà nước không nên cấm đoán, nên cho thử nghiệm, cho lực lượng canh phòng cẩn thận là được.
"Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi, người Việt Nam hiện nay chinh phục biển được bao nhiêu mét, lặn sâu chưa được 100m, chỉ với tàu ngầm kilo mua về mới lặn được xuống biển.
Giờ các doanh nghiệp tư nhân như ông Hòa, thể hiện ý chí như vậy đã là bài học rất hay cho người Việt, thể hiện ý chí chinh phục độ sâu.
Ông Hòa là tấm gương rất lớn, rất liều mình làm vì đam mê, sáng tạo cho chúng ta học tập, không chỉ lực lượng quân đội mà là cả thế hệ người Việt. Hãy nhìn sang Trung Quốc từ chỗ không lặn được dưới biển, bây giờ tàu của họ có thể lặn được đến độ sâu toàn cầu, 11km.
Điều đáng nói, kỹ sư sáng chế ra là đội ngũ học cùng các kỹ sư Việt Nam cách đây 40 năm tại trường ĐH GTVT", ông Bình nói.
Đồng thời, ông cũng nêu rõ, để thử nghiệm dưới biển cần rất nhiều yếu tố, trong đó: "Thứ nhất, phải có thiết kế đảm bảo an toàn; thứ hai, chính là người điều khiển, phải làm đúng trình tự, không được nhầm lẫn các nút điều khiển.
Hội biển sắp tới cũng sẽ đề cập đến vấn đề này, để giúp cho các nhà khoa học nông dân có điều kiện thử nghiệm sản phẩm của mình".
Nghịch lý trực thăng chưa thể cất cánh
Là người cũng có niềm đam mê với trực thăng, máy bay, kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương) người đã chế tạo ra 2 chiếc trực thăng mang chính tên mình, vô cùng vui mừng khi nghe tin ông Hòa được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý cho thử nghiệm tàu ở biển.
Ông Hiển cho biết: "Các lãnh đạo nhà nước, địa phương cứ quan tâm đến chúng tôi, đó là niềm vui lớn nhất".
Trực thăng của ông Bùi Hiển cất cánh khỏi mặt đất |
Theo chia sẻ của ông Hiển, hiện nay, trực thăng của ông cũng đã hoàn chỉnh, chỉ còn tập bay sao cho thuần thục, vì ông không được đào tạo qua trường lớp, nên rất cần nhiều giờ, tính cho đến nay ông cũng mới bay được mấy chục giờ nên vẫn còn nhiều khó khăn.
"Tôi cũng đang làm thủ tục để xin phép bay thử, khi có đầy đủ giấy tờ, Hiệp hội hàng không sẽ là đơn vị hướng dẫn tôi hoàn thiện, được biết, sẽ phải làm thành một đề tài nghiên cứu, rồi xin Bộ tổng tham mưu cho ý kiến.
Nhưng nghịch lý ở chỗ, giấy phép cho bay thử chỉ có hiệu lực trong 1 ngày, địa điểm bay do nhà nước quy định, cụ thể là sân bay Biên Hòa, trong một khoảng thời gian nhất định, một độ cao nhất định, hết ngày đó thì giấy phép này không còn giá trị.
Chính vì thế, khi thử nghiệm phải bay cho được mà giờ tôi chưa bay thành thục, nên có xin về, để đó ngày mai hết hạn lại phải đi xin lại, nên tôi vẫn chưa muốn xin giấy phép thử bay
Nên sáng nào tôi cũng dậy sớm từ 5h kéo máy bay đi ra bãi vắng, tập bay trộm, rồi lại kéo về. Các lãnh đạo tỉnh cũng chỉ cho tôi cách tập bay ngay trong xưởng của mình thì không ai phản đối, thời gian tới, chắc tôi cũng làm vậy, nhưng do máy bay lần này to hơn máy bay lần trước nên khó khăn", ông Hiển chia sẻ.
Bản thân ông Hiển cũng biết, việc yêu cầu có giấy phép thử bay cũng là vì an toàn của người điều khiển, nhưng ông cho rằng, bản thân người thiết kế sẽ biết độ an toàn ra sao, có biện pháp tự đảm bảo yếu tố này.
Theo Sơn Ca (Đất Việt)