Chiếc tàu ngầm đi dọc bờ biển Phần Lan đã hết thời, và đó chỉ là cách để khoa trương sức mạnh mà thôi.
Tàu ngầm nguyên tử Dmitri Donskoy |
"Trong năm nay, Nga muốn chứng tỏ điều gì đó thực sự gây kinh ngạc. Và đó là khí tài hải quân lớn nhất của họ".
Mặc dù chiếc tàu ngầm lớn nhất thế giới này có vẻ như chỉ để gây tác động về mặt truyền thông. Theo báo chí, trên tàu không còn vũ khí hạt nhân nữa. Lần mới đây nhất nó được dùng là để thử nghiệm tên lửa.
"Nếu như các cuộc thử nghiệm vẫn được tiến hành cho đến nay, thì chắc chắn chiếc tàu ngầm này sẽ không được cử tới biển Baltic".
Theo lời ông Petteri Lalu, đây là cách thức để gây ấn tượng đối với người dân trong nước cũng như cho những quốc gia hàng xóm mà chiếc tàu ngầm sẽ đi qua trong chuyến hải trình của mình. Nga hy vọng khi Dmitri Donskoy diễu qua lãnh hải một số nước sẽ được truyền thông chú ý đưa tin.
"Tất nhiên, nhờ cách thức này, họ trước tiên muốn khoa trương sức mạnh của mình".
Ngoài tàu ngầm Dmitri Donskoy còn có tuần dương hạm nguyên tử Petr Veliky, cả hai sẽ tham gia Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nga tổ chức vào những ngày nghỉ cuối cùng của tháng 7.
Tuần dương hạm nguyên tử Petr Veliky |
Chiếc tàu ngầm nguyên tử sẽ không còn được khai thác
Được chế tạo vào thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, đầu thập niên 1980, Dmitri Donskoy dự kiến sẽ được triển khai ở Bắc Băng Dương nhằm đề phòng trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Tại các nước phương Tây, nó được biết đến như là tàu ngầm lớp Typhoon, còn ở Nga con tàu có tên gọi Akula (Cá mập).
Để sử dụng nó với mục tiêu tác chiến tại Vịnh Phần Lan là điều khó khăn vì kích thước quá lớn.
Giáo sư Lalu cho rằng, việc chiếc tàu ngầm nguyên tử xuất hiện trên biển Baltic có liên quan tới cuộc tập trận "Phương Tây" dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 9.
"Nhiệm vụ chính của cuộc diễn tập quân sự này là tạo áp lực lên Phương Tây. Việc mang tàu ngầm Dmitri Donskoy ra khoa trương cũng chính là cách Nga muốn thực hiện điều đó", ông Lalu nói.
Cuộc tập trận Nga - Trung, một tín hiệu đáng chú ý
Giáo sư quân sự Phần Lan quan tâm nhiều hơn tới cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc trên biển Baltic.
"Trong những năm gần đây, sự hỗn loạn đang diễn ra trên khu vực biển Baltic. Việc xuất hiện một thành viên mới ở đó chỉ làm cho tình hình càng trở nên phức tạp", ông Lalu cho biết.
Theo lời ông, cuộc tập trận chung này chứng tỏ quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc đang được tăng cường.
"Tập dượt giải quyết việc bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển của Trung Quốc không phải là ý tưởng hay. Ở đây khó có điều gì đe dọa đến lợi ích của Bắc Kinh. Mặt khác, trên biển Baltic thậm chí có thể tiến hành diễn tập các biện pháp chống cướp biển ở khu vực Somali".
"Nga đang tự đẩy mình vào ngõ cụt trong vấn đề Ukraine và có ít đồng minh xứng tầm, họ rất muốn thúc đẩy hợp tác với tất cả những quốc gia nào sẵn sàng, đặc biệt với các đối tác có tiềm lực. Sự liên kết này đáp ứng được lợi ích của cả hai bên".
Nga trước đây từng tham gia tập trận chung với Trung Quốc ở Châu Á. Trong năm nay, người Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành cuộc diễn tập trên biển Baltic và biển Đen.
Năm ngoái, Nga đã cử chiếc tàu sân bay duy nhất của mình là Đô đốc Kuznetzov tới Địa Trung Hải. Chuyến hải trình gặp rất nhiều trở ngại vì hiện trạng vô cùng tồi tệ của con tàu.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetzov |
Thông tin tham khảo về tàu ngầm Dmitri Donskoy - Thiết kế Dmitri Donskoy thuộc lớp Typhoon là một trong những tàu ngầm độc đáo nhất từ trước đến nay, với lớp vỏ chịu áp suất được thiết kế khá phức tạp, cho phép nó lặn sâu tới 400 m. Cấu trúc đan chéo nhau của các thanh đỡ giúp dàn trải áp lực đều lên thân tàu. Chính điều này khiến Typhoon có khả năng sống sót cao hơn khi bị ngư lôi xuyên thủng vỏ, thủy thủ đoàn sẽ an toàn trong các khoang kín nước, khả năng ngập nước là vô cùng thấp, chỉ từ 5% - 7% theo tính toán của các nhà khoa học Nga. Dmitri Donskoy có chiều dài 172,8 m; chiều rộng 23,3 m. Thiết kế cho phép nó di chuyển dưới băng và phá băng. Tàu đạt tốc độ 12 hải lý/h khi nổi và 25 hải lý/h khi lặn, hoạt động liên tục 180 ngày đêm dưới biển. Thủy thủ đoàn gồm 160 người. Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân OK-650VV công suất 190 MW, 2 turbine công suất 45.000 - 50.000 mã lực, cùng 2 động cơ diesel ASDG 800 kW. Chiếc Dmitri Donskoy còn được lắp đặt thiết bị phát hiện tàu ngầm có tác dụng tìm kiếm và tấn công chủ động/bị động, bố trí phía dưới khoang chứa ngư lôi. Tàu được gắn radar phát hiện mục tiêu nổi băng I/J. Các thiết bị đối phó gồm ESM (thiết bị hỗ trợ điện tử), hệ thống cảnh báo radar và hệ thống định vị. Akula còn có cả hệ thống thông tin liên lạc radio và vệ tinh. Tàu có 2 phao anten nổi để thu tín hiệu radio, dữ liệu chỉ thị mục tiêu và tín hiệu dẫn đường vệ tinh khi hoạt động sâu hoặc dưới các lớp băng. - Vũ khí Typhoon mang được 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) R-39 (NATO gọi là SS-N-20 Rif) tầm bắn 8.300 km, có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kT. Bên cạnh đó, R-39 còn có thể găn đầu đạn hạt nhân tấn công đa mục tiêu (MIRV) với 4 - 5 đầu đạn con 200 kT. Bên cạnh khả năng phóng tên lửa đạn đạo, nó còn có cả ngư lôi để tiêu diệt tàu ngầm khác, gồm có 6 ống phóng và 20 phương tiện phóng (phương tiện phóng có thể là máy phóng hoặc các thiết bị tương tự). 2 loại ống phóng trên Typhoon bao gồm: + 4 ống phóng để triển khai 2 loại ngư lôi chính là RPK-2 (SS-N-15 Viyuga), hoặc ngư lôi Type 53. Chúng chủ yếu dùng để tấn công tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa, tàu ngầm cỡ nhỏ và khinh hạm. + 2 ống phóng có khả năng bắn loại RPK-7 (SS-N-16 Vodopa) dùng để tấn công các tàu ngầm cỡ lớn và tàu sân bay. Số vũ khí này đủ để tấn công đồng thời 200 mục tiêu lớn trên mặt đất với tổng diện tích 7.000 km² (diện tích Moscow là 1.000 km²), ở khoảng cách 10.000 km. |
Theo Bảo Lam (Trí Thức Trẻ)