Tàu ngầm 'biết suy nghĩ' TQ đe dọa vị thế thống trị Mỹ trên biển

05/02/2018 13:52:57

Tàu ngầm hạt nhân trang bị “bộ não” biết suy nghĩ được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trước Mỹ, Nga trong cuộc cạnh tranh khốc liệt dưới đáy biển.

Tàu ngầm 'biết suy nghĩ' TQ đe dọa vị thế thống trị Mỹ trên biển
Ảnh minh họa.

Trung Quốc hiện đang nâng cáp hệ thống máy tính cũ khí trên các tàu ngầm hạt nhân của nước này. Trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện khả năng hoạt động của tàu ngầm, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP),

Nhà nghiên cứu giấu tên Trung Quốc nói đây sẽ là bước đột phá không chỉ trong cuộc chiến dưới đáy biển mà còn đưa công nghệ AI đạt đến tầm cao mới.

“Tàu ngầm có sức hủy diệt khủng khiếp, nhưng bộ não thì vẫn còn rất hạn chế”, nhà nghiên cứu này nói.

Các sỹ quan, thủy thủ vận hành tàu ngầm đều là những người có trình độ và dày dạn kinh nghiệm. Nhưng quãng thời gian hàng tháng trời ở dưới đáy biển sâu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các thủy thủ.

Đó là lúc hệ thống trí tuệ nhân tạo với khả năng đưa ra suy nghĩ riêng giúp các sỹ quan chỉ huy giảm tải áp lực, nhà nghiên cứu Trung Quốc nói.

Cho đến nay, việc giải mã, trả lời tín hiệu thu thập được từ thiết bị thủy âm (sonar) hoàn toàn do con người thực hiện, không phải máy móc. Với sự trợ giúp của AI, nhiều công việc trên tàu ngầm có thể do máy móc đảm nhiệm hoàn toàn.

Trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp cho sỹ quan chỉ huy mọi thông tin cần thiết, như môi trường xung quanh, độ mặn, nhiệt độ của nước biển cũng như đưa ra cảnh báo về đối phương nhanh hơn nhiều so với con người.

Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc muốn bộ não mới phải nhỏ gọn và tương thích với các hệ thống máy tính hiện tại trên tàu ngầm.

Tàu ngầm 'biết suy nghĩ' TQ đe dọa vị thế thống trị Mỹ trên biển - 1
Tàu ngầm Trung Quốc bị chê hoạt động ồn ào, kém hiệu quả.

“Điều đó giống như việc đặt một con voi vào hộp đựng giày vậy”, một nhà nghiên cứu nói khi được hỏi về thách thức của dự án. “Quân đội không cần đến những tính năng hào nhoáng, quan trọng là độ tin cậy trên chiến trường”.

Theo nhà nghiên cứu này, chính quyền Trung Quốc đã rót lượng lớn tiền của vào dự án chế tạo AI cho tàu ngầm. Bởi AI là con đường ngắn nhất để Trung Quốc vượt qua Mỹ hay Nga về sức mạnh quân sự, theo SCMP.

Joe Marino, chuyên gia Mỹ đánh giá: “Kết hợp AI với các công nghệ tàng hình, cảm biến, vũ khí hiện đại, Trung Quốc đang thách thức sự thống trị trên biển của Mỹ”.

Zhu Min, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Trung Quốc nhắc đến những rủi ro khi trang bị AI cho tàu ngầm hạt nhân.

 “Hãy nghĩ đến viễn cảnh tàu ngầm mang theo kho vũ khí hạt nhân, đủ hủy diệt cả lục địa nhưng lại có khả năng suy nghĩ độc lập”, ông Zhu nói, giống như những gì từng xuất hiện trên phim và tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.

Deng Zhidong, giáo sư khoa học máy tính ở Bắc Kinh lại không cho rằng AI có thể tạo ra mối đe dọa, ít nhất là trong tương lai gần.

“Máy móc do AI điều khiển thì vẫn chỉ là máy móc. Chúng không phải là thực thể sống”, ông Deng nói. “Hãy nghĩ rằng tàu ngầm trang bị AI giống như xe tự hành. Bạn có thể ngắt, chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay bất cứ lúc nào và tàu ngầm hạt nhân cũng như vậy”.

Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)

Nổi bật