Hãng truyền thông và phát thanh Nga Sputnik vừa có bài viết với tiêu đề “Vì sao tàu hộ vệ Sovershnny xứng đáng được gọi là tàu hoàn hảo”?
Các tàu thuộc dự án này đều là tàu hộ vệ (theo thuật ngữ cũ được sử dụng trong Hải quân dưới thời Liên Xô), do nhà máy đóng tàu Amur chế tạo. Nó có lượng giãn nước chỉ 2.220 tấn, hoạt động chủ yếu trong khu vực lãnh hải của đất nước và vùng biển gần.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra, các tàu lớp này có thể chống lại tàu nổi và tàu ngầm của đối phương, yểm trợ hỏa lực cho hoạt động tác chiến đổ bộ và chống đổ bộ. Ngoài ra, tàu còn có tên lửa tầm xa, có thể tấn công các tàu chiến của địch ngay cả ở căn cứ ven bờ của chúng.
Hải quân Nga hiện có bốn tàu hộ vệ thuộc dự án 20.380, tất cả đều đang được biên chế trong thành phần Hạm đội Baltic - hạm đội lâu đời nhất của Lực lượng Hải quân Nga. Do đó, chiếc thứ 5 sẽ được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Sau khi hoàn thành chương trình thử nghiệm, tàu hộ vệ Sovershenny sẽ được biên chế trong thành phần Hạm đội Thái Bình Dương ngay trong năm nay. Hiện nay, các xưởng đóng tàu Nga đang đóng thêm ba tàu hộ vệ lớp này cho Hạm đội Thái Bình Dương.
Sovershenny và các tàu hộ vệ lớp này có lượng giãn nước hạng trung, với chiều dài khoảng 100m, rộng 13 mét, mớn nước tối đa 8 mét. Thủy thủ đoàn khoảng 100 người.
Hệ thống động cơ chính gồm 4 động cơ turbo diesel 16 xi-lanh với tổng công suất 23.300 mã lực và 4 máy phát điện diesel 630 kW, cho tốc độ tối đa 27 hải lý (50 km/h) và hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng điện. Hệ thống động cơ này có tiếng ồn thấp, khiến tàu khó bị phát hiện bởi các hệ thống sonar.
Tàu hộ vệ có thể di chuyển trên biển mà không cần ghé vào cảng trong vòng 15 ngày và trong khoảng thời gian đó, nó có phạm vi hành trình tối đa là 4.000 dặm (xấp xỉ 6500km) với tốc độ tuần tra 14 hải lý/h.
Tàu hộ vệ Project 20380 Steregushchiy của hải quân Nga |
Ở đuôi tàu có một sân bay dành cho trực thăng chống ngầm Ka-27, đây cũng là lần đầu tiên các tàu chiến của Nga có lượng giãn nước tương đương được trang bị loại máy bay trực thăng này.
Tàu hộ vệ có thân tàu bằng thép với kết cấu mới hoàn toàn cho phép giảm 25% lực cản của nước khi di chuyển với tốc độ tối đa. Nhờ đó, có thể sử dụng các động cơ nhẹ hơn, chứ không phải động cơ quá mạnh và tiêu hao quá nhiều nhiên liệu.
Kiến trúc thượng tầng được làm bằng vật liệu composite với sợi carbon. Nhờ điều này và một số giải pháp thiết kế khác, đây là tàu chiến với công nghệ "Stealth", tức là tàng hình với tia hồng ngoại và radar.
Tuy lượng giãn nước của tàu không lớn, nhưng trong tác chiến biển hiện đại, các yếu tố quan trọng nhất không phải là kích thước và tốc độ mà chủ yếu là hàm lượng công nghệ, trình độ chuyên nghiệp của thủy thủ đoàn, hệ thống bảo vệ và đương nhiên là hỏa lực mạnh mẽ.
Tàu hộ vệ của Nga được trang bị rất tốt với đầy đủ khả năng tấn công và phòng thủ.
Trước hết, đó là tổ hợp tên lửa chống hạm Kh-35 Uran với 8 tên lửa hạm đối hạm và hệ thống pháo đa năng 100mm với cơ số đạn 332 viên. Tàu được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ trên không bởi tổ hợp tên lửa phòng không hoặc tổ hợp pháo-tên lửa phòng không (trên mũi tàu), các tổ hợp tên lửa phòng không cơ động và hai pháo tự động bắn nhanh 30mm (đằng sau tàu).
Tàu được bảo vệ khỏi cuộc tấn công bằng ngư lôi bởi tổ hợp chống ngư lôi trên hai bên tàu (tổ hợp này cũng được sử dụng chống tàu ngầm của đối phương). Để bảo vệ khỏi những hoạt động phá hoại dưới nước và chống cướp biển, trên tàu có súng máy hạng nặng và súng phóng lựu 45 mm hai nòng.
Và cuối cùng, các tàu hộ tống được trang bị các hệ thống radar điện tử phát hiện mục tiêu trên không và trên biển, có khả năng thực hiện các hành động chiến tranh điện tử. NGoài ra, tàu còn có các hệ thống thông tin liên lạc và dẫn đường rất hiện đại, áp dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất của Nga.
Theo Toàn Thắng (Đất Việt)