Một trong hai con tàu đó đang trên đường tới nạp dầu thô từ cảng Ras Tanura để giao cho khách hàng ở Mỹ. Hãng tin SPA của Ả Rập Saudi không đề cập đến con số thương vong hoặc sự cố tràn dầu nhưng cho biết sự việc gây ra "thiệt hại đáng kể cấu trúc của 2 tàu". Ả Rập Saudi không nhận dạng các tàu liên quan hay nêu tên phe nào bị tình nghi thực hiện hành động phá hoại.
Ông Abdullatif al-Zayani, Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 thành viên, gọi vụ phá hoại này là sự "leo thang nghiêm trọng".
Ngay sau vụ việc, Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ - lực lượng phụ trách khu vực này - chưa đưa ra bình luận nào.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Seyyed Abbas Mousavi, cảnh báo về "âm mưu của những kẻ xấu muốn phá vỡ an ninh khu vực" và kêu gọi "các quốc gia trong khu vực cảnh giác với bất cứ cuộc phiêu lưu nào của những phần tử nước ngoài".
Thông tin này xuất hiện sau khi Mỹ cảnh báo các tàu rằng "Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của nước này" có thể tấn công vào những phương tiện lưu thông trên biển trong khu vực. Trước đó, Mỹ triển khai một tàu sân bay và đội máy bay ném bom B-52 đến vịnh Ba Tư để đối phó với những mối đe dọa từ Tehran.
Hôm 12-5, UAE thông báo rằng 4 tàu chở hàng thương mại bị phá hoại ngoài khơi thành phố cảng Fujairah của UAE (một trong những trung tâm hầm ngầm lớn nhất thế giới nằm ngay bên ngoài eo biển Hormuz).
Theo đài CNN, hiện chưa rõ các tàu mà Ả Rập Saudi và UAE đề cập có phải cùng một vụ hay không.
Căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới, khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm đẩy kinh tế Iran vào khủng hoảng.
Tuần trước, Iran cảnh báo sẽ bắt đầu làm giàu uranium cấp độ cao sau 60 ngày nữa nếu các cường quốc trên thế giới không đàm phán các điều khoản mới cho thỏa thuận.
Cảng Fujairah cách eo biển Hormuz khoảng 140 km về phía Nam. Eo biển Hormuz là lối đi hẹp trên vịnh Ba tư mà 1/3 lượng dầu thế giới được vận chuyển qua mỗi năm. Đây được coi là tuyến hàng hải có tầm quan trọng chiến lược nối vùng vịnh Ba Tư, tiểu lục địa Ấn Độ và châu Phi.
Theo H.Bình (Nld.com.vn)