Động thái trên diễn ra sau khi Nga đưa quân ồ ạt đến biên giới Ukraine khiến căng thẳng gia tăng với nhiều nước, trong đó có Mỹ.
Washington tuần này công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow vì "hành vi khiêu khích", bao gồm can thiệp bầu cử và những hành động ở Ukraine. Chính phủ Mỹ cũng đã trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga.
Nga đáp trả tương tự, trục xuất 10 công dân Mỹ ra khỏi nước họ.
Ngoài sức ép từ Mỹ, Anh cũng đã triệu tập đại sứ Nga trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến hội đàm với lãnh đạo của Pháp và Đức để thảo luận về những động thái mới nhất của Moscow.
Trước thềm cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần vạch ra "những lằn ranh đỏ rõ ràng" với Nga, bao gồm áp lệnh trừng phạt sau mọi hành vi "không thể chấp nhận" của quốc gia này. Dù vậy, Tổng thống Macron lưu ý rằng chỉ riêng trừng phạt là chưa đủ.
"Chỉ riêng lệnh trừng phạt là không hiệu quả nhưng các biện pháp trừng phạt là một phần của chiến lược. Tôi muốn các cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn nhưng để đối thoại hiệu quả, chúng ta cần sự tin tưởng" – ông chủ Điện Elysee nói.
Theo CBS News, hơn 30.000 binh sĩ Nga đang tập trung tại biên giới Ukraine, con số lớn nhất kể từ năm 2014. Tương tự người đồng cấp Mỹ Joe Biden, Tổng thống Macron khẳng định đây là mức độ căng thẳng không thể chấp nhận.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu lãnh sự Ukraine tại St. Petersburg, Alexander Sosonyuk, về nước sau khi ông này bị đặc nhiệm FSB bắt quả tang nhận tài liệu mật tại một nhà hàng hôm 16-4.
Bộ Ngoại giao Nga thông báo ông Sosonyuk "có 72 tiếng để về nước tính từ ngày 19-4".
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)