Trong thông cáo đăng tải trên trang web chính thức ngày 5/2, Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ nhấn mạnh, hoạt động tự do hàng hải (FONOP) như trên của tàu khu trục USS John S. McCain nhằm duy trì các quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận bằng cách thách thức các lệnh hạn chế đi lại cũng như yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc thông qua các đường cơ sở thẳng bao vây quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Joe Keiley – phát ngôn viên Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ – cho biết, việc tàu chiến Mỹ đi qua quần đảo Hoàng Sa là “hoạt động tự do hàng hải”.
Theo ông Keiley, Trung Quốc đã xây dựng đường băng quân sự và lập căn cứ trái phép trên quần đảo Hoàng Sa. Hành động của Trung Quốc gây lo ngại cho các quốc gia cùng khu vực Biển Đông và ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực.
“Hải quân Mỹ thách thức những yêu sách trái pháp luật của Trung Quốc đối với quyền tự do hàng hải được pháp luật quốc tế ghi nhận. Bắc Kinh cho rằng lãnh hải của họ bao trùm quần đảo Hoàng Sa, nhưng luật pháp quốc tế không công nhận điều đó. Chúng tôi phản đối những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”, ông Keiley phát biểu.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin, quân đội nước này đã phát hiện và xua đuổi tàu USS John S. McCain của Mỹ khi hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Hạm đội 7 phủ nhận điều này.
Trước đó một ngày, tàu khu trục McCain của Mỹ cũng đi qua eo biển Đài Loan – nơi Trung Quốc đòi hỏi các tàu nước ngoài phải xin phép nước này trước khi đi vào.
Biển Đông lâu nay là một trong những vấn đề kéo căng quan hệ Mỹ - Trung. Bắc Kinh nhiều lần tỏ ra phẫn nộ khi Washington cử các tàu chiến đến gần những quần đảo họ chiếm giữ trái phép ở Biển Đông và cáo buộc Mỹ đang cố tình gây căng thẳng trong khu vực.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)