Hải quân Ấn Độ cho biết, tàu hộ vệ tàng hình INS Satpura (F48) và INS Kadmatt (P29) đang có mặt tại cảng Hải Phòng, thăm Việt Nam từ 23 đến 27/9.
Khu trục hạm tàng hình đa năng INS Satpura (F48) thuộc lớp Shivalik |
Tuy nhiên chiếc chiến hạm cỡ lớn này của Hải quân Ấn Độ lại không phải là đối tượng thu hút sự chú ý nhiều nhất, mà đó chính là khinh hạm săn ngầm INS Kadmatt (P29) thuộc lớp Kamorta.
Nguyên nhân chính là do trước đây Ấn Độ đã có lần đề nghị Việt Nam đặt mua chiếc chiến hạm nội địa này của họ nhằm thay thế vai trò của 5 chiếc Petya do Liên Xô sản xuất vốn đã rất cao tuổi.
Tàu hộ vệ săn ngầm INS Kadmatt (P29) thuộc lớp Kamorta |
Kamorta của Hải quân Ấn Độ là một lớp tàu hộ vệ săn ngầm tàng hình tương đối hiện đại, được trang bị vũ khí, khí tài săn ngầm và phòng không khá mạnh.
Tàu có lượng giãn nước 3.500 tấn; chiều dài 109 m; chiều rộng 13,7 m; kíp điều khiển gồm 13 sĩ quan và 173 thủy thủ.
Trái tim của tàu là 4 động cơ diesel Pielstick 12 PA6 STC với tổng công suất 20.384 mẵ lực (15.200 kW), cho tốc độ tối đa 31,8 hải lý/h (58,9 km/h); dự trữ hành trình 3.450 hải lý (6.000 km) khi chạy với vận tốc 25 hải lý/h (46 km/h) hoặc lên tới gần 4.000 hải lý (7.400 km) nếu chạy ở tốc độ kinh tế;
Hệ thống cảm biến điện tử và xử lý tín hiệu của Kamorta bao gồm radar cảnh giới nhìn vòng 3D-CAR 3 tham số, cự ly trinh sát 200 km, bám đủ tham số cùng lúc 150 mục tiêu; radar kiểm soát hỏa lực EL/M-2221 STGR; cảm biến gắn trên thân tàu HUMSA.
Ngoài ra trên tàu còn có khí tài thông tin - kết nối dữ liệu toàn tàu bằng cáp quang BEL RAWL02; khí tài dẫn bắn bom chìm BEL Sanket Mk III cùng hệ thống gây nhiễu điện tử và mỗi bẫy DESEAVER MK.
Vũ khí gồm có 1 pháo Oto SRGM 76,2 mm; 2 pháo phòng không bắn nhanh AK-630; 2 cụm rocket săn ngầm RBU-6000; 2 cụm x 3 ống phóng ngư lôi săn ngầm; 2 cụm x 8 tên lửa phòng không Barak phóng thẳng đứng và 1 trực thăng săn ngầm Westland Sea King Mk.42B hoặc Ka-28.
Mặc dù tương đối hiện đại nhưng Kamorta cũng có nhược điểm đó là hơi lớn so với nhu cầu của Việt Nam, bên cạnh đó vũ khí khí tài xuất xứ từ nhiều quốc gia trên thế giới khiến khâu đảm bảo hậu cần kỹ thuật khá phức tạp.
Tuy nhiên không loại trừ khả năng Ấn Độ sẽ cung cấp một gói tín dụng mới nhằm "kích cầu" Việt Nam, và việc đưa chiếc Kamorta sang thăm cảng Hải Phòng chính là bước đi đầu tiên của tiến trình đó.
Theo Chí Linh (Đất Việt)