Tàu cá Trung Quốc tham gia xâm chiếm Biển Đông

28/03/2016 10:41:23

Dùng ngư dân để gây hấn và khẳng định "chủ quyền" không phải là chiêu mới của Trung Quốc. Khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng này.

Dùng ngư dân để gây hấn và khẳng định "chủ quyền" không phải là chiêu mới của Trung Quốc. Khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng này.

Các tàu bán quân sự và tàu cá Trung Quốc ở cảng cá Bạch Mã Tỉnh (Hải Nam). Ảnh: CIMSEC


Ngoài thành phố Tam Á, ở tỉnh Hải Nam còn có một địa điểm rất đáng chú ý là cảng cá Bạch Mã Tỉnh ở vịnh Đan Châu. Tam Á và công ty Phúc Cảng là gương mặt đại diện của lực lượng dân quân hàng hải tỉnh Hải Nam. Trong khi đó, Đan Châu và thế hệ các công ty hải sản, hiện nay là Tập đoàn Hải sản tỉnh Hải Nam, có thể được coi là “tiên phong” của hiện tượng dùng ngư dân thực hiện các mục tiêu quân sự.

Cảng cá Bạch Mã Tỉnh có một vị trí đặc biệt trong lịch sử quân sự Trung Quốc. Ngày 5/3/1950, quân đội Trung Quốc thực hiện cuộc đổ bộ đầu tiên trong chiến dịch đảo Hải Nam, qua đó đánh bật toàn bộ lực lượng Quốc dân đảng ra khỏi đảo Hải Nam vào ngày 1/5.

Năm 1958, Bạch Mã Tỉnh trở thành nơi đặt trụ sở của Công ty Hải sản Nam Hải (SCSFC). Theo tài liệu của Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC), tháng 1/1974, chính SCSFC đã điều hai tàu cá lớn, bọc thép, để hỗ trợ đắc lực cho Hải quân Trung Quốc trong chiến dịch xâm lược bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đầu tiên, Trung Quốc thực hiện đòn tung hỏa mù khi xua hai tàu cá tiếp cận quần đảo Hoàng Sa. Khi đó, hai tàu này đi vào vùng nước quanh đảo Cam Tuyền, cách đảo Phú Lâm khoảng 100 km.
 
Đưa lính Trung Quốc chiếm đảo

Các chỉ huy tàu chiến của lực lượng Việt Nam Cộng hòa khi đó bối rối, mất thời gian xác định nên đối phó với các tàu này như thế nào, có dùng vũ lực hay không. Do đó, Hải quân Trung Quốc đã có thời gian để điều phối lực lượng và tổ chức tấn công.

Ngoài ra, hai tàu cá của SCSFC còn có nhiệm vụ theo dõi, giám sát các tàu Việt Nam Cộng hòa bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, giải cứu và sửa chữa một số tàu hải quân Trung Quốc bị bắn hư hại.

Sau khi cuộc đụng độ giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam Cộng hòa, hai tàu cá này đã chở 500 binh lính, bao gồm một nhóm đổ bộ từ Ban chỉ huy quân sự tỉnh Hải Nam, tới các đảo mà lực lượng Việt Nam Cộng hòa còn kiểm soát để chiếm nốt các đảo này.

Sự tham gia của các tàu cá và dân quân hàng hải Trung Quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa dù có quy mô nhỏ, nhưng được CIMSEC đánh giá là đóng vai trò hỗ trợ quan trọng.

Qua đó, Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Đây là điểm tựa trọng yếu để Trung Quốc thực hiện chiến lược đòi chủ quyền vô lý trên toàn bộ Biển Đông hiện nay. CIMSEC cảnh báo Trung Quốc có thể tái diễn kịch bản Hoàng Sa để chiếm bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do lực lượng Philippines kiểm soát.
 

Cảng Đan Châu với sự tập trung đông đảo của tàu cá, tàu ngư chính và tàu hải quân Trung Quốc Ảnh: CIMSEC


Thời gian qua, lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông vẫn đang lăm le đánh bật nhóm lính thủy đánh bộ Philippines đóng trên con tàu cũ Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây. Đá Vành Khăn chỉ cách bãi Cỏ Mây khoảng 27 km.

Hơn một năm qua, Trung Quốc bồi lấp dữ dội ở đá Vành Khăn, xây đảo nhân tạo tại đây và biến nó thành một “tiền đồn” của lực lượng ngư dân vũ trang nước này. Gần đây, lực lượng Trung Quốc, bao gồm các tàu cá vũ trang, đã nhiều lần cản trở hải quân Philippines tiếp tế cho nhóm binh sĩ ở bãi Cỏ Mây.

Trung Quốc được cho là có thể xua hàng loạt tàu cá vũ trang từ đá Vành Khăn tới bãi Cỏ Mây trong khoảng thời gian ngắn. Và lực lượng Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp đá Vành Khăn sẽ dễ dàng hỗ trợ một chiến dịch quân sự chiếm bãi Cỏ Mây.
 
Chuẩn bị cho đụng độ trên Biển Đông

Trên thực tế, quân đội Trung Quốc sử dụng ngư dân vì mục đích quân sự từ khá lâu trước thời điểm năm 1974. Năm 1961, công ty tiền thân của SCSFC thành lập một ban quân sự riêng, nằm dưới sự quản lý của Ban chỉ huy quân sự tỉnh Hải Nam. Năm 1967, quân đội Trung Quốc trực tiếp kiểm soát SCSFG và tiếp nhận 80 thủy thủ từ lực lượng hải quân.

Năm 1975, công ty này xây dựng trụ sở cho đội dân quân hàng hải.  Trong suốt năm thập kỷ qua, SCSFC và các công ty hậu duệ đóng vai trò xương sống của lực lượng dân quân hàng hải ở Đan Châu.

Hiện tại, nó có tên là Tập đoàn Công nghiệp hải sản tỉnh Hải Nam (HPMFIG), là một trong những công ty hải sản lớn nhất ở Hải Nam. Công ty này được xem là nền tảng quan trọng để chính quyền địa phương đầu tư phát triển ngành công nghiệp hải sản địa phương.

Cả HPMFIG và chính quyền Hải Nam đều có kế hoạch khai thác quy mô lớn ở Biển Đông, tổ chức các đoàn tàu ồ ạt đánh bắt tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ước tính chính quyền tỉnh Hải Nam và chính quyền Đan Châu đã đầu tư hơn 200 triệu nhân dân tệ (30,4 triệu USD) để xây dựng, nâng cấp cảng Bạch Mã Tỉnh như mở rộng cầu cảng, tạo vùng neo đậu sâu hơn… nhằm phục vụ hoạt động chế biến hải sản quy mô lớn.

Trang web của HPMFIG huênh hoang khoe khoang “chiến dịch” trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và hùng hổ tuyên bố rằng nó sẽ “thực hiện chính sách bảo vệ lãnh thổ và tăng cường sự hiện diện ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)”.

Chiến lược chủ đạo của HPMFIG là phát triển cảng cá và điều động tàu tiếp tế cho các đội tàu cá đến đánh bắt ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
 

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974. Ảnh: Google


Đầu năm 2015, các quan chức lãnh đạo Đan Châu đã nhóm họp với các tổ chức dân quân hàng hải, tuyên bố thành phố này cần tăng cường sức mạnh của lực lượng ngư dân để “chuẩn bị cho đụng độ quân sự” trên Biển Đông. Do đó, HPMFIG không che giấu mục tiêu hỗ trợ quân đội Trung Quốc thực hiện đòi hỏi chủ quyền vô lý trên Biển Đông.

“Chúng tôi áp dụng nguyên tắc là đảm nhận cả vai trò quân sự và dân sự, và là thường dân, vừa là chiến sĩ, kết hợp năng lực chiến tranh - hòa bình, quân sự - dân sự để tổ chức các đội tàu cá", HPMFIG khoe.

Công ty này đã lên kế hoạch lập 20-30 đội tàu cá, mỗi đội do một tàu tiếp tế lớn chỉ huy. Các tàu cá từ Đan Châu đều có vỏ thép để dễ dàng thực hiện vai trò quân sự như đánh chặn tàu của các nước Đông Nam Á trên Biển Đông.
 
Theo Hiếu Trung (Zing.vn)