Theo Pravda, trong ngày 4/3, tập đoàn quốc phòng Rheinmetall của Đức đã tiến hành thảo luận với Chính phủ Ukraine về việc xây dựng một nhà máy sản xuất xe tăng Panther.
"Nhà máy có chi phí dự kiến khoảng 200 triệu Euro, có thể sản xuất tối đa 400 xe tăng Panther mỗi năm. Việc xây dựng nhà máy tại Ukraine là vô cùng quan trọng, bởi Kiev cần 600-800 xe tăng để kết thúc cuộc xung đột", ông Armin Papperger - CEO của Rheinmetall cho biết.
Cũng theo người đứng đầu tập đoàn Rheinmetall, việc thảo luận đang diễn ra vô cùng khả quan. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong vòng 2 tháng tới.
Panther là xe tăng chiến đấu kế nhiệm Leopard 2, được ra mắt vào tháng 7/2022. Một số điểm đáng chú ý trên xe tăng này bao gồm: pháo chính 130mm, khả năng phóng UAV, giáp bảo vệ thế hệ mới và cảm biến 360 độ.
Nga vẫn chưa kiểm soát được Bakhmut
Theo Guardian, trong ngày 4/3, Phó thị trưởng Bakhmut Oleksandr Marchenko cho biết, các cuộc giao tranh đã nổ ra tại trên nhiều tuyến phố. Tuy vậy, quân đội Ukraine vẫn đang giữ vững vị trí và Nga chưa kiểm soát được thành phố này.
Cũng theo ông Marchenko, hiện có khoảng 4.000-5.000 dân thường vẫn còn kẹt lại bên trong thành phố. Những người này phải sống ở các hầm trú ẩn tập trung và chịu cảnh thiếu điện, nước.
Trong cùng ngày, Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Ukraine Viktor Khorenko đã có mặt tại Bakhmut. Sự xuất hiện của ông Khorenko được xem là tín hiệu cho thấy Kiev không muốn từ bỏ quyền kiểm soát Bakhmut.
Ukraine chịu nhiều tổn thất ở Donetsk
Theo Sky News, trong ngày 4/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng Nga đã khiến cho Ukraine phải chịu nhiều tổn thất tại Donetsk trong vòng 24 giờ qua.
"Chúng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 490 binh lính, 1 xe tăng, 3 xe chiến đấu bộ binh, 2 lựu pháo Msta-B và 1 lựu pháo M777 của đối phương", ông Igor Konashenkov - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga nói.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)