"Không tổ chức hay cá nhân nào có quyền vượt lên hiến pháp hay luật pháp", ông Tập phát biểu trong phiên họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 24/2, theo China Daily.
Phiên họp nói trên nhằm chuẩn bị cho hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, bắt đầu từ hôm 26/2. Hội nghị này sẽ thảo luận về những đề xuất sửa đổi hiến pháp để trình lên kỳ họp quốc hội thường niên dự kiến diễn ra đầu tháng sau.
Việc sửa đổi hiến pháp lần này được cho là sẽ giúp củng cố vị thế "nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông" của ông Tập, người hiện là tổng bí thư, chủ tịch nước kiêm chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hiến pháp đối với quá trình đi đến thắng lợi quyết định trong việc xây dựng xã hội "tiểu khang" (tương đối thịnh vượng) ở mọi mặt, hiện thực hóa "giấc mộng Trung Hoa" về chấn hưng dân tộc.
"Giấc mộng Trung Hoa" là khái niệm được ông Tập đề ra khi lên nắm quyền năm 2012, đề cập đến các "mục tiêu trăm năm" nhằm khôi phục sự huy hoàng của nền văn minh Trung Hoa trong quá khứ, đưa Trung Quốc vươn tầm toàn cầu.
Theo ông Tập, vai trò của hiến pháp phải được thể hiện rõ qua việc hiện đại hóa hệ thống quản lý nhà nước và hoàn thiện khả năng lãnh đạo lâu dài của đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Chỉ có đảng Cộng sản Trung Quốc mới có thể duy trì nguyên tắc quản lý vì dân, phát triển nền dân chủ một cách đầy đủ, dẫn dắt quần chúng trong việc viết nên một bản hiến pháp phản ánh ý chí của họ và dẫn dắt họ thực hiện hiến pháp", China Daily trích lời ông Tập.
Theo Tân Hoa xã, Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất xóa bỏ quy định trong hiến pháp hiện hành về số nhiệm kỳ tối đa đối với chủ tịch và phó chủ tịch nước. Thay đổi này sẽ có thể giúp ông Tập tiếp tục nắm quyền sau năm 2023, khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai.
Ngoài ra, học thuyết chính trị của ông Tập cũng được đề xuất đưa vào hiến pháp sửa đổi, sau khi được bổ sung vào điều lệ đảng tại đại hội mùa thu năm ngoái.
Hiến pháp hiện hành có hiệu lực từ năm 1982, thời điểm Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình.
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)