Tăng ca liên tục trong 104 ngày nhưng chỉ nghỉ đúng 1 buổi, nam công nhân 30 tuổi tử vong vì suy nội tạng

09/09/2024 08:41:09

Trong khi đó, phía công ty của người này lại cho rằng khối lượng công việc của nạn nhân có thể quản lý được và giờ làm thêm là giờ tự nguyện nên trường hợp tử vong này là do các vấn đề sức khỏe có từ trước hoặc không được can thiệp y tế kịp thời.

Câu chuyện về văn hóa làm thêm giờ tại Trung Quốc lại một lần nữa được người dân nước này đem ra bàn luận sôi nổi sau khi vụ việc một nam công nhân 30 tuổi tử vong vì suy đa tạng sau 104 ngày làm việc liên tục và chỉ có đúng 1 ngày nghỉ, báo SCMP đưa tin.

Theo đó, tòa án tỉnh Chiết Giang phát hiện người đàn ông tên A'bao đã tử vong do suy đa tạng vì nhiễm phế cầu khuẩn, thường liên quan đến hệ thống miễn dịch suy yếu. Vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ rộng rãi ở Trung Quốc và làm dấy lên cuộc thảo luận về cách đối xử với người lao động ở nước này.

Trước đó, vào tháng 2 năm ngoái, A'bao đã ký hợp đồng làm thợ sơn cho một công ty mà tòa án không tiết lộ tên. Hợp đồng dự kiến ​​sẽ kéo dài đến tháng 1 năm nay. Sau đó, anh được phân công làm một dự án ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc.

A'bao đã làm việc liên tục trong 104 ngày từ tháng 2 đến tháng 5 năm ngoái sau khi ký hợp đồng, chỉ nghỉ duy nhất một ngày vào ngày 6/4. Nhưng vào ngày 25/5, anh xin nghỉ ốm vì cảm thấy không khỏe và dành cả ngày hôm đó để nghỉ ngơi tại khu tập thể của công ty.

Ngày 28/5, tình trạng của A'bao nhanh chóng chuyển biến xấu hơn. Anh được các đồng nghiệp đưa đến bệnh viện, tại đây các bác sĩ chẩn đoán A'bao bị nhiễm trùng phổi và suy hô hấp. Cho đến ngày 1/6 thì nam công nhân này được xác định đã tử vong.

Tăng ca liên tục trong 104 ngày nhưng chỉ nghỉ đúng 1 buổi, nam công nhân 30 tuổi tử vong vì suy nội tạng
Sau một ngày nghỉ ốm, tình trạng của A'bao nhanh chóng xấu đi, chỉ vài ngày sau đó, anh được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng phổi và suy hô hấp, dẫn đến cái chết thương tâm. Ảnh minh họa: Shutterstock

Trong quá trình điều tra ban đầu về cái chết của anh, các viên chức an sinh xã hội cho biết, vì đã hơn 48 giờ trôi qua kể từ khi A'bao bị bệnh cho đến khi anh qua đời nên không thể phân loại đây là thương tích liên quan đến công việc.

Sau đó, gia đình A'bao đã đệ đơn kiện đòi công ty của anh phải có chính sách bồi thường cho gia đình đồng thời cáo buộc sự bất cẩn của chủ lao động.

Đáp lại, công ty lập luận rằng khối lượng công việc của A'bao có thể quản lý được và bất kỳ giờ làm thêm nào cũng là tự nguyện. Họ còn lập luận rằng cái chết của anh là do các vấn đề sức khỏe đã có từ trước của nạn nhân mà không được can thiệp y tế kịp thời, khiến tình trạng của anh ngày càng trở nên nặng hơn.

Tòa án xác định rằng khả năng làm việc liên tục 104 ngày của A'bao là hành vi vi phạm rõ ràng Luật Lao động Trung Quốc, trong đó quy định thời gian làm việc tối đa là 8 giờ mỗi ngày và trung bình là 44 giờ mỗi tuần.

Tòa án phán quyết rằng hành vi vi phạm quy định lao động của công ty đóng vai trò quan trọng trong việc làm suy giảm hệ miễn dịch và dẫn đến tử vong của A'bao, buộc công ty phải chịu 20% trách nhiệm về thảm kịch này.

Tòa án sau đó đã trao cho gia đình tổng số tiền bồi thường là 400.000 nhân dân tệ (1,3 tỷ đồng), bao gồm 10.000 nhân dân tệ cho tổn thương tinh thần do cái chết gây ra.

Mặc dù công ty của nam công nhân đã kháng cáo phán quyết, nhưng Tòa án nhân dân cấp trung Chu Sơn vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu vào tháng 8 vừa qua.

Tăng ca liên tục trong 104 ngày nhưng chỉ nghỉ đúng 1 buổi, nam công nhân 30 tuổi tử vong vì suy nội tạng - 1
Tòa án tuyên công ty phải chịu trách nhiệm 20% về cái chết của A'bao do vi phạm quy định lao động ảnh hưởng đến sức khỏe của anh. Ảnh minh họa: Shutterstock

Ngay sau khi truyền thông đăng tải, vụ việc đã gây ra nhiều cuộc thảo luận và phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc.

“Sơn là một công việc vốn có hại cho sức khỏe của chúng ta. Mới chỉ 30 tuổi mà anh ấy đã mất là điều khiến gia đình anh ấy vô cùng đau thương. Thế mà tòa chỉ phán quyết bồi thường 400.000 nhân dân tệ. Điều thậm chí còn vô lý hơn là công ty này lại còn kháng cáo phán quyết ban đầu, không hề tỏ ra thông cảm, hay tỏ lòng tiếc thương”, một cư dân mạng bình luận.

Một người khác cũng đồng tình với quan điểm này: "Thật đau lòng khi chứng kiến ​​cảnh này. Làm việc như thế này thực sự là bán mạng để kiếm tiền".

Trong khi đó người thứ 3 chỉ trích: “Chi phí vi phạm pháp luật của các công ty quá thấp và có vẻ như luật lao động chỉ tồn tại để kìm kẹp người làm công ăn lương”.

Cái chết của A'bao không phải là trường hợp cá biệt, vì những cái chết thương tâm liên quan đến điều kiện làm việc khắc nghiệt ở Trung Quốc vẫn khá phổ biến.

Câu chuyện tương tự xảy ra vào tháng 8/2019, khi một nhân viên được biết đến với bí danh Chu Bình (Zhu Bin) đã đột ngột qua đời khi đang đi làm về. Sau đó, Chu được điều tra ra là đã làm việc suốt tháng 7 mà không nghỉ ngơi và đã làm thêm 130 giờ.

Tòa án phán quyết rằng công ty của Chu phải chịu 30% trách nhiệm trong cái chết của anh đồng thời đưa ra mức bồi thường  laf 360.000 nhân dân tệ (1,2 tỷ đồng).

QT (SHTT)

Nổi bật