Theo Tổng giám đốc của Uranvagonzvod, ông Oleg Siyenko, Nga đang phát triển loại đạn pháo có thể nổ theo ý của người chỉ huy dành cho tăng Armata.
"Chúng tôi đã sản xuất đạn pháo 125mm kích nổ theo chỉ thị từ người điều khiển. Chúng tôi chưa bao giờ làm việc này trước đây. Hiện tại công ty đang hoàn thành các công đoạn phát triển, sản xuất và thử nghiệm để đưa nó vào sử dụng. Nga còn có ý định xuất khẩu loại đạn này", ông Sienko cho hay.
Nga thử nghiệm tăng Armata. |
Được biết, các loại đầu đạn hiện nay đều sử dụng ngòi nổ kích hoạt kiểu va chạm thông thường, với kiểu đạn mới, các pháo thủ của Armata T-14 sẽ điều chỉnh được chính xác thời gian phát nổ nhằm tối đa hóa khả năng phá hủy mục tiêu.
Không chỉ được trang bị loại đạn công nghệ cao, theo RIA Novosti, siêu xe tăng Armata đã sẵn sàng được Công ty Công nghệ Radio – Điên tử (KRET) trang bị hệ thống kiểm soát hoả lực của trực thăng chiến đấu.
Ông Vladimir Mikheyev, nhân viên cấp cao của KRET cho biết: “Chúng tôi đưa ra một loạt thiết bị điện tử mới từ hệ thống kiểm soát hoả lực đến các máy định vị, được phát triển dựa theo phiên bản dành cho máy bay trực thăng.
Ở KRET, chúng tôi phát triển các hệ thống kiểm soát hoả lực và nếu các kĩ sư giúp trực thăng điều khiển được súng cối và tên lửa, họ cũng có thể làm điều tương tự trên xe tăng Armata”.
Ông Vladimir Mikheyev tiết lộ, một vài xe bọc thép của Nga đã được trang bị các thiết bị cảnh báo đa nhiệm thiết kế bởi KRET: “Người điều khiển xe tăng giờ sẽ nhìn rất giống với một phi công trên trực thăng với những hệ thống cảnh báo đa nhiệm và thiết bị điện tử sử dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu của các phương tiện chiến đấu mặt đất”.
Trước khi công bố gói trang bị này, Nga cũng từng tiết lộ siêu tăng T-14 Armata sẽ được trang bị hệ thống radar tương tự trên tiêm kích tàng hình T-50. Cụ thể, tăng Armata sẽ được trang bị radar dải tần Ka (26,5– 40 GHz) có anten mạng pha tích cực AFAR được chế tạo theo công nghệ gốm nhiệt độ thấp.
Radar tương tự được dùng trên tiêm kích đa năng thế hệ thứ năm Su T-50 do phòng thiết kế OKB Sukhoi nghiên cứu chế tạo.
Anten mạng pha tích cực bao gồm hàng trăm thiết bị truyền vi sóng. Loại anten này có thể nhanh chóng thay đổi hướng sục sạo (không cần di chuyển cơ học đĩa anten) và có độ tin cậy cao - việc một linh kiện bị hỏng không làm giảm nhiều công suất và làm thay đổi hình dạng tia quét.
Chuyên gia quân sự, Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva, Victor Murakhovskiy ghi nhận, một radar như vậy trong trang bị tăng thiết giáp có thể giúp giải quyết cả nhiệm vụ phòng thủ, cả nhiệm vụ tấn công.
Murakhovskiy nói: “Có hai phương án sử dụng radar này, trong hệ thống điều khiển hỏa lực hoặc như một tổ hợp bảo vệ tích cực. Nó gồm có anten có thể phát hiện phương tiện sát thương đang bay đến gần xe tăng. AFAR xác định tọa độ và thông số của nguy cơ này, và xe tăng sẽ tiêu diệt các mục tiêu này”.
Ở Nga đã có xe tăng sử dụng radar cho bảo vệ tích cực. Việc phát sóng radar cho phép phát hiện quả đạn đang bay tới, bám theo quả đạn đó từ một cự ly nhất định, sau đó pháo của xe tăng tiêu diệt quả đạn này. Hệ thống Drozd lắp trên xe tăng T-55 hoạt động như vậy. Tuy nhiên các hệ thống đó không được trang bị AFAR với các ưu thế của công nghệ này.
Clip tăng Armata thử khả năng chiến đấu |
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)