Người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc diễn ra ngày hôm nay (9-5) sẽ phải đối mặt những thách thức lớn trong nước và quốc tế.
Phái bảo thủ Hàn Quốc hiện đang chia rẽ vì việc cựu tổng tống Park Geun Hye bị quyết định luận tội. Một cánh bao gồm những người chống lại việc luận tội và vẫn thuộc đảng Hàn Quốc Tự do.
Cánh còn lại là những người đã bỏ phiếu cho việc luận tội bà Park. Họ đã thành lập một đảng mới là đảng Bareun.
Thách thức trong nước
Theo truyền thống, các ứng cử viên tổng thống phái bảo thủ có thể giành được hơn 45% số phiếu bầu. Tuy nhiên sự chia rẽ của đảng cầm quyền khiến nhiều cử tri bảo thủ bối rối, không biết nên ủng hộ ứng cử viên nào và đảng nào.
Sự ủng hộ của cử tri bảo thủ càng trở nên khó đoán hơn sau khi cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon lẫn quyền tổng thống Hwang Kyo Ahn đều không tham gia tranh cử.
Trong tổng số 15 ứng cử viên, chỉ có 5 từ các đảng có nhiều ghế trong Quốc hội và được xem là các đối thủ nặng ký.
Đài Channel NewsAsia dẫn lời chuyên gia Eunjung Lim của trường ĐH Johns Hopkins cho biết một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của tân tổng thống Hàn Quốc là làm thế nào để quản lý hiệu quả đất nước đang bị chia rẻ một cách mạnh mẽ.
Xã hội Hàn Quốc bị chia rẽ giữa những người muốn cải cách chính trị và kinh tế và những người vẫn tỏ ra thông cảm với bà Park.
Thêm vào đó Quốc hội Hàn Quốc vẫn sẽ bị chia rẽ cho đến cuộc bầu cử lập pháp tiếp theo vào tháng 4-2020.
Hiện không có đảng nào của các ứng cử viên nặng ký chiếm hơn 150 trong tổng số 300 ghế Quốc hội. Theo Đạo luật Tiến bộ Quốc hội, để thông qua đạo luật mới cần 60% số phiếu thuận ở Quốc hội (tức khoảng 180 phiếu thuận).
Đảng Minjoo của ứng cử viên tiềm năng Moon Jae In cũng chỉ có 119 ghế tại Quốc hội. Vì vậy, nếu ông Moon có chiến thắng thì đảng của ông vẫn phải đàm phán với các đảng khác để lập liên minh đa số.
Ứng cử viên sáng giá Moon Jae In - Ảnh: Reuters |
Thách thức quốc tế
Ngoài ra cũng có nhiều thách thức trên trường quốc tế. Đầu tiên là quan hệ đồng minh với Mỹ cũng như với tổng thống Donald Trump.
Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của chính quyền dưới thời bà Park Geun Hye hồi tháng 7-2013 cũng sẽ là một khúc xương.
Quyết định đó đang làm ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh được cho là đã tiến hành một số biện pháp trả đũa kinh tế nhắm đến các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ứng cử viên Moon là người không mặn mà với việc triển khai THAAD. Do đó nếu ông Moon đắc cử, chính quyền Bắc Kinh có thể thúc đẩy chính quyền của ông Moon xem xét lại quyết định triển khai THAAD.
Trong khi đó chính quyền ông Trump đang muốn xem xét và chỉnh sửa Hiệp định Tự do thương mại Mỹ - Hàn Quốc được phê chuẩn năm 2011. Những gì chính quyền Washington muốn thay đổi vẫn chưa rõ ràng nhưng đã khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc lo lắng.
Cuối cùng là vấn đề CHDCND Triều Tiên. Mối đe dọa từ chính quyền Kim Jong Un tăng lên trong những tháng gần đây khi Bình Nhưỡng tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.
Khả năng thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên cũng đang khiến Hàn Quốc đứng ngồi không yên.
Nhiều người bên bảo thủ lo ngại ông Moon có thể sẽ bắt đầu lại các cuộc đối thoại hoặc liên kết giữa Hàn Quốc và Triều Tiên bất chấp các biện pháp trừng phạt cứng rắn với nước này.
Người ủng hộ cõng ứng viên Moon Jae In sau cuộc vận động tranh cử ở Seoul ngày 6-5 - Ảnh: Reuters |
Tin giả và phạm luật bầu cử Việc phát tán các thông tin giả, tin thất thiệt đang nổi lên là một trong những vấn nạn nhức nhối nhất, có thể tác động tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc lần này. Theo số liệu của Văn phòng Công tố tối cao Hàn Quốc, tính đến ngày 1-5 vừa qua, số người bị cáo buộc phát tán tin giả là 85 người (tương đương 32%) trong tổng số 264 người bị truy tố do vi phạm các quy định liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Nếu so với cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2012, số người bị truy tố vì phát tán tin giả tăng tới 81%, trong khi số người bị truy tố các tội danh liên quan tới vi phạm luật bầu cử nói chung tăng 36%. Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc (NEC) cho biết tính đến ngày 6-5 vừa qua, có hơn 38.000 trường hợp đã bị phát hiện vi phạm luật bầu cử trực tuyến. Số vụ phát tán tin giả mạo lên tới hơn 24.000 vụ, nhiều hơn gấp 6 lần so với cuộc bầu cử năm 2012. Các hành vi sai phạm khác liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống năm nay bao gồm phá hoại các cơ sở vận động tranh cử của các ứng cử viên, cung cấp tài chính trái phép cho các ứng cử viên được ủng hộ, hoặc lôi kéo cử tri... Tính đến ngày 8-5, gần 600 người đã bị điều tra do có các hành động phá hoại nói trên. Theo luật pháp Hàn Quốc, những đối tượng bị kết tội phá hoại chiến dịch tranh cử tổng thống có thể đối mặt với mức án 2 năm tù giam hoặc khoản tiền phạt 3.500 USD. (TÚ ANH) |
Theo Anh Thư (Tuổi Trẻ)