Theo các nhà phân tích, tổng thống đắc cử Moon Jae In sẽ ở thế kẹt giữa các nước láng giềng và các cường quốc, trong khi phải nhanh chóng đưa đất nước trở lại đúng hướng.
Uỷ ban Bầu cử Quốc gia đã xác nhận chiến thắng của Moon Jae In, cựu luật sư nhân quyền từ Đảng Dân chủ tự do vào khoảng 8h sáng nay (10/5) theo giờ Hàn Quốc.
Ông Moon dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức hôm nay nhưng ông từng nói sẽ bỏ qua buổi lễ nhậm chức và làm việc ngay lập tức. Ông sẽ phải nhanh chóng chỉ định Nội các, trong đó có thủ tướng và bộ trưởng trong các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, ngoại giao và tài chính.
Tổng thống đắc cử Moon Jae In cảm ơn người ủng hộ ở Quảng trường Gwanghwamun, Seoul, Hàn Quốc, ngày 10/5. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, với bất kỳ quyết định nào đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc hội, ví dụ như đề cử thủ tướng và cải cách các dự luật mà ông cam kết trước đó, ông sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng khác.
Dù chiếm đa số trong Quốc hội với 40% số ghế, đảng của ông Moon vẫn thiếu số phiếu cần thiết để đạt được 2/3 số phiếu bầu nhằm thông qua các dự luật.
Nhà nghiên cứu James Kim thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, Seoul cho biết: "Nếu không có sự cải tổ hoặc liên minh mới, nhiều vấn đề và quyết định quan trọng có thể bị nghẽn lại".
"Tất cả đều ủng hộ một số hình thức cải tổ, nhưng những người bảo thủ và những người cấp tiến có những ý kiến rất khác nhau về việc làm thế nào để thực hiện nó", ông Kim nói.
Tiến sĩ Kim nói thêm rằng những cải cách mà ông Moon cam kết, bao gồm cải cách lao động và kế hoạch thay đổi hệ thống tập đoàn quyền lực, cũng gặp vấn đề tương tự.
Trên mặt trận ngoại giao, các nhà phân tích nói rằng ông Moon sẽ ở thế kẹt giữa các nước láng giềng và các cường quốc.
Ông sẽ phải đối mặt với tính thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi cố gắng thúc đẩy Hàn Quốc trở thành một quốc gia quyết đoán hơn.
Ông Moon Jae In và phu nhân Kim Jung Suk (thứ 2 bên trái) rời Khu tưởng niệm Quốc gia ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 10/5. Ảnh: Reuters. |
Ông Moon vẫn giữ quan điểm cho rằng việc triển khai vội vã lá chắn tên lửa Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD) cần được xem xét lại. Việc triển khai hệ thống này đã dẫn tới sự trả đũa về kinh tế của Trung Quốc đối với các ngành du lịch, giải trí và làm đẹp của Hàn Quốc trong thời gian qua.
Cách thức đối phó với Triều Tiên cũng sẽ được ông Moon xem xét kỹ lưỡng. Ông từng nói sẽ cố gắng cải thiện quan hệ liên Triều, khởi xướng thuật ngữ "Chính sách Ánh trăng" sau Chính sách Ánh dương được các cựu tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun ủng hộ.
Tiến sĩ Katharine Moon thuộc Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, Mỹ cho biết ông Moon nên tiến hành từng bước để cải thiện quan hệ liên Triều.
"Điều đầu tiên là giảm leo thang quân sự và chính trị hiện nay giữa Bình Nhưỡng và Washington khi chưa có sự can dự của Seoul".
Về vấn đề "phụ nữ mua vui" gây tranh cãi với Nhật Bản, nhà phân tích Lee Seong Hyon của Viện Sejong cho rằng tổng thống đắc cử Hàn Quốc sẽ không nhân nhượng khi đề cập tới những phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục quân sự cho Nhật Bản trong Thế chiến II.
"Là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, ông Moon hiểu rõ rằng Nhật Bản là một láng giềng mà ông nên hợp tác tuy nhiên ông ấy sẽ không mềm mỏng đối với vấn đề này", ông Lee nhận định.
Ngay từ khi tranh cử, Tổng thống đắc cử Moon Jae In đã gây nhiều tranh luận khi khẳng định chính sách mềm mỏng hơn và tăng cường đối thoại với Triều Tiên trong tương lai. |
Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)