Trong cuộc họp do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức hôm 24-6, ông Brown nói với các phóng viên rằng mình đang xem xét các biện pháp của Thủy quân Lục chiến.
Lực lượng này gần đây tiết lộ kế hoạch loại bỏ các thiết bị hạng nặng như xe tăng, thay vào đó tập trung vào khả năng cơ động hạng nhẹ đối với pháo binh, hệ thống không người lái và tên lửa chống hạm. Theo tạp chí Không quân (Air Force Magazine), có vẻ như họ sẽ tối ưu hóa lực lượng để cạnh tranh với Trung Quốc trong khung thời gian năm 2030.
Tướng Brown xác nhận ông đã nói chuyện với Tư lệnh Thủy quân lục chiến David H. Berger về kế hoạch của mình. Khi đảm nhiệm vị trí tham mưu trưởng không quân Mỹ, ông cân nhắc thực hiện bước đi tương tự liên quan tới vấn đề Thái Bình Dương và Trung Quốc.
"Có vài thứ chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện" – tướng Brown cho biết, đồng thời chia sẻ cách suy nghĩ và hành động nhằm đối phó Trung Quốc đã nhen nhóm kể từ khi ông nắm chức vụ chỉ huy cách đây 2 năm.
"Vấn đề không chỉ là công nghệ khi chúng ta nhìn vào số lượng máy bay ném bom hoặc số lượng máy bay chiến đấu tiên tiến như J-20 của Trung Quốc tăng nhẹ mà còn là cách thức hoạt động của họ. Đợt tôi làm chỉ huy, rất hiếm khi chúng tôi thấy máy bay ném bom H-6 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bay trên mặt nước. Bây giờ, điều đó xảy ra hàng ngày" - tướng Brown nói thêm.
Bắc Kinh nhiều năm qua lập lờ kế hoạch thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (AIDZ) ở biển Đông. Theo tướng Brown, nếu Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch đó, nó sẽ tác động đến tất cả quốc gia trong khu vực và đi ngược lại ý tưởng về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở.
Hôm 25-6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đồng tình với cảnh báo của tham mưu trưởng không quân Mỹ. Ông Lorenzana cho rằng thứ nhất, việc Trung Quốc thiết lập AIDZ ở biển Đông chẳng khác nào họ cướp lấy một vùng biển rộng lớn vốn mở cửa cho hoạt động đánh bắt cá và tự do đi lại.
Thứ hai, nó vi phạm các quyền kinh tế độc quyền của những quốc gia duyên hải đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc tham gia ký kết. Thứ ba, rất nhiều nước sẽ coi ADIZ của Trung Quốc là bất hợp pháp và vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong một cuộc họp ngắn hiếm hoi dành cho truyền thông nước ngoài hôm 25-6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cũng để mắt đến khả năng và ý định quân sự của Trung Quốc trên khắp châu Á. "Chúng ta cần nâng cao nhận thức về những gì đang diễn ra xung quanh Nhật Bản. Chúng ta cần theo dõi ý định của Trung Quốc một cách cẩn thận, không chỉ là khả năng của họ" – đài Nikkei dẫn lời ông Kono.
Theo Phạm Nghĩa (Người Lao Động)