Ngày 30/4, Nhật hoàng Akihito đã chính thức thoái vị tại phòng khách Matsu no Ma trong Hoàng cung dưới sự chứng kiến của khoảng 300 quan khách. Và trong sáng ngày 1/5, buổi lễ Đăng quang dành cho tân Nhật hoàng Naruhito cũng sẽ được tổ chức, bắt đầu triều đại Reiwa (Lệnh Hòa).
Lễ Đăng quang lần này là một sự kiện lịch sử rất quan trọng theo nhiều khía cạnh. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên sau 200 năm một vị Thiên hoàng lên ngôi do có sự thoái vị của Thiên hoàng tiền nhiệm. Và thứ 2, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản hiện đại, lễ đăng quang có sự hiện diện của một người phụ nữ.
Satsuki Katayama - nữ nhân duy nhất trong Nội các chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, sẽ có mặt để theo chứng kiến thời khắc lịch sử này. Ngay cả hoàng hậu Masako - người vợ đầu ấp tay gối 26 năm của Naruhito cũng không được phép tham dự.
Luật của Hoàng gia - phụ nữ hoàng tộc bị cấm đủ đường
Theo trang Japan News, đây là điều đã được nêu trong Luật Hoàng gia. Theo đó, phụ nữ trong hoàng tộc không được phép có mặt trong căn phòng vào thời khắc tân vương đón nhận các bảo vật và thần khí để chứng nhận cho quyền kế thừa ngai vàng.
Nhưng các luật cấm không chỉ có vậy. Về cơ bản, phụ nữ không được phép lên ngôi, cũng không được quyền nhiếp chính. Thậm chí, các công chúa cũng phải chính thức từ bỏ hoàng tộc về mặt giấy tờ sau khi kết hôn, và không người con nào của họ sau này được phép kế thừa ngai vàng.
Các điều luật cấm này khiến Hoàng gia Nhật Bản bị bó hẹp số người có khả năng được truyền ngôi. Sau khi Naruhito lên ngôi, nhánh kế vị giờ sẽ chỉ bao gồm chú của ngài - Hoàng tử Hitachi (nay đã 83 tuổi), em trai ngài là Hoàng tử Akishino (53 tuổi) và Hisahito, con trai của Akishino. Con gái của Naruhito và hoàng hậu Masako là công chúa Aiko sẽ không được kế vị, cũng như con cái sau này của cô.
Những tranh cãi để thay đổi
Năm 2017 khi Quốc hội Nhật Bản thông qua quyết định đồng ý để Nhật hoàng Akihito thoái vị, họ có đính kèm một bản phụ lục, trong đó đề nghị chính phủ nghiên cứu sửa đổi luật pháp cho phép phụ nữ hoàng tộc được giữ gốc gác hoàng gia sau khi kết hôn. Ngoài ra, con cái họ cũng được trao quyền kế thừa ngai vàng hợp pháp. Riêng về việc phụ nữ có thể ngồi lên ngai, bản phụ lục không đề cập đến.
"Hoàng gia không còn lựa chọn nào khác, dù có thể họ không thích điều đó. Các nhánh kế vị đang ngày càng thu hẹp lại." - trích lời Kenneth J. Ruoff, nhà sử học chuyên nghiên cứu về Hoàng tộc Nhật Bản tạo ĐH Portland (Mỹ).
Phe bảo thủ luôn cho rằng Hoàng gia Nhật Bản cần duy trì truyền thống kế thừa theo nhánh nam thuần túy. Tuy nhiên, các nhà sử học lại chỉ ra rằng truyền thống cũng đã từng thay đổi qua thời gian.
"Quan điểm người kế vị chỉ thuộc nhánh nam thực chất là thứ thuộc về lịch sử hiện đại," - Kathryn Tanaka - phó giáo sư văn hóa và lịch sử tại ĐH Otamae (Nhật Bản) cho biết. "Đó không phải là truyền thống, mà thể hiện quan điểm chính trị và sự gia trưởng cố hữu."
Theo Tanaka, các tài liệu lịch sử cho thấy quan niệm kế vị qua nhánh nam thực chất mới chỉ bắt nguồn từ thời Thiên hoàng Minh Trị (Meiji) vào thế kỷ 19. Trong khi đó nếu dõi theo các dòng tộc hơn 2700 năm và hơn 125 thế hệ quân chủ được lưu lại, có ít nhất 8 vị nữ vương đứng ra nắm quyền vào thời điểm không có nam nhân trưởng thành nào đủ khả năng.
Ảnh hưởng đến nỗ lực bình đẳng giới
Nếu xét về vấn đề nữ quyền trong hoàng tộc, Hoàng gia Nhật Bản quả thực đã đi hơi chậm. Tại Anh Quốc, Nữ hoàng Elizabeth II đã trị vì hơn 6 thập kỷ. Những người kế vị hoàng tộc tại Hà Lan, Bỉ, Na-Uy và Tây Ban Nha cũng đều là các phụ nữ trẻ.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng việc đẩy hoàng hậu mới ra khỏi buổi lễ Đăng quang của tân vương có thể gây phản tác dụng đối với nỗ lực bình đẳng giới mà người Nhật đang hướng đến.
"Họ đã quên rằng đây là một sự kiện có tầm vóc quốc tế," - trích lời Nancy Snow, giáo sư ĐH Ngoại ngữ Kyoto. "Thử nghĩ về hình ảnh chỉ có duy nhất một phụ nữ trong Nội các ngồi đó, còn vợ của Thiên hoàng - tân hoàng hậu đâu rồi? Rắc rối không nhỏ đâu."
Cũng theo giáo sư Snow, về mặt bản chất nếu coi sự thoái vị của Thiên hoàng Akihito là một hình thức đi ngược với tục lệ, thì đây cũng là một cơ hội tốt để đổi mới lại một số truyền thống đã không còn phù hợp với xu thế của hoàng gia rồi.
"Tôi muốn cháu gái mình được sống trong một thế giới nơi người ta sẵn sàng đứng ra thay đổi truyền thống khi đã không còn phù hợp nữa," - Melanie Brock, người đã sống tại Nhật Bản 27 năm và đang làm chủ một công ty tư vấn kinh doanh.
Tân hoàng hậu Masako cũng đã từng là một biểu tượng cho sự thay đổi của hoàng tộc. Trước khi cưới Naruhito, bà là một nhà ngoại giao tiếng tăm của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Vậy nên, nhiều người đã hy vọng rằng bà có thể hiện đại hóa vai trò của người phụ nữ trong hoàng tộc bấy giờ.
Thế nhưng sau khi trở thành công chúa, bà đã từ bỏ sự nghiệp và phải chịu áp lực rất lớn để sinh ra được một người con trai nối dõi. Masako gần như biến mất khỏi công chúng, cho đến vài năm gần đây.
"Đó là sự hy sinh, giống như rất nhiều phụ nữ trong thế hệ của bà từng làm," - Kumiko Nemoto, giáo sư xã hội học tại ĐH Ngoại ngữ Kyoto chia sẻ về những gì Masako đã phải từ bỏ sau khi kết hôn.
Thiên hoàng Akihito từng đề đạt mong muốn nghỉ hưu vào năm 2014, nhưng phải 3 năm sau đó mới được thông qua. Điều này cho thấy, mọi sự thay đổi liên quan đến truyền thống sẽ cần thời gian để thực hiện.
Theo J.D (Helino)