Cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Exxol, ông Rex Tillerson, người được Tổng thống Donald Trump đề cử và Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Ngoại trưởng trong chính quyền mới, dự kiến phải đối mặt với một loạt thách thức về ngoại giao, trong bối cảnh sắc lệnh di trú của ông Trump gây phẫn nộ khắp thế giới.
Những lợi thế không đến từ ngoại giao
Theo Forbes, lợi thế đầu tiên của ông Rex Tillerson phải kể đến kinh nghiệm của một nhà thương lượng kỳ cựu cùng nhiều thành tựu mà ông đã đạt được qua hàng chục năm công tác. Trong lịch sử, Ngoại trưởng Mỹ không cần phải trực tiếp đứng ra đàm phán - như cựu Ngoại trưởng John Kerry đã làm trong các cuộc thương lượng hạt nhân với Iran, nhưng phải là người chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán.
Ông Rex Tillerson, 64 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Texas, Austin. Ông đầu quân cho tập đoàn Exxol năm 1975. Trong 10 năm giữ vị trí Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn này (từ 2006-2016), ông đã đưa Exxol Mobil trở thành tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, hoạt động khắp 6 lục địa, thực hiện hàng loạt thỏa thuận với nhiều quốc gia. Ông có kinh nghiệm đàm phán ở tất cả các lĩnh vực từ quyền sử dụng đất cho tới các vấn đề lao động và giao thông vận tải.
Lợi thế tiếp theo là khả năng quản lý. Là người đứng đầu một công ty toàn cầu với ngân sách 370 tỷ USD hoạt động ở gần 50 nước, ông Tillerson có kinh nghiệm điều hành hoạt động quy mô cực lớn, bao trùm các lĩnh vực dầu khí, xây dựng, hậu cần, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, marketing, bán hàng ...
Trong khi đó, vị trí ngoại trưởng cần điều hành một cơ quan với ngân sách 65,9 tỷ USD, có hoạt động phủ khắp các nước trên thế giới, bao gồm: dịch vụ thị thực, hỗ trợ người Mỹ ở nước ngoài, an ninh quốc gia, xúc tiến thương mại và ngoại giao cấp cao. So với một chính trị gia, học giả hay nhà ngoại giao, ông Tillerson rõ ràng có ưu thế vượt trội.
Kế đến phải kể tới kinh nghiệm làm việc với lãnh đạo thế giới của ông Tillerson. Cựu Chủ tịch của Exxon có kinh nghiệm ngoại giao khi đại diện cho tập đoàn này làm việc với các nhà lãnh đạo toàn cầu. Ông biết rõ các nhà lãnh đạo thế giới và hiểu họ. Đặc biệt, ông là người có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin và từng được ông Putin trao Huân chương Hữu nghị, huân chương danh giá cho bất cứ người nước ngoài nào.
Một nhà ngoại giao xuất sắc phải xử lý được các mối quan ngại của các nhà lãnh đạo để thúc đẩy họ hợp tác với mình. Sau khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson sẽ tiếp tục phát triển các mối quan hệ đó trong vai trò đại diện cho lợi ích của nước Mỹ.
Tổng thống Donald Trump từng nói ông đánh giá cao ông Tillerson vì khả năng quản lý một doanh nghiệp toàn cầu - một điều quan trọng để vận hành Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, theo ông Trump, các mối quan hệ của ông Tillerson với các lãnh đạo trên thế giới là “không ai có thể sánh bằng”.
Những thách thức lập tức phải đối mặt
Ngoại trưởng Tillerson phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 1/2 ở Nhà Trắng. Phía sau ông là Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters) |
Ông Rex Tillerson đảm nhận cương vị mới vào thời điểm quan hệ giữa Washington và các đồng minh cũng như đối tác quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức.
Theo AFP, sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump, vốn vấp phải sự phản đối của khoảng 1.000 nhân viên trong bộ ngoại giao, đang đặt ra cho tân Ngoại trưởng thách thức lớn đầu tiên. Với bên ngoài, ông cũng phải đối mặt với các biện pháp đáp trả từ 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi có tên trong sắc lệnh này.
Thách thức tiếp theo là rạn nứt với đồng minh Australia. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/2 tuyên bố sẽ xem lại thỏa thuận giữa chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama với Australia hồi năm 2016 về việc tái định cư của 1.250 người tị nạn tại Mỹ. Trước đó, ông Trump tuyên bố sẽ từ bỏ cách tiếp cận đa phương của người tiền nhiệm đối với khu vực Đông Nam Á và sắc lệnh hành pháp của ông rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã buộc Australia phải đánh giá lại chính sách của họ tại khu vực.
Ngoài ra, quan hệ giữa Mexico và Mỹ cũng trở nên căng thẳng sau những tranh cãi qua lại giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Mexico Pena Nieto liên quan tới dự án xây bức tường dọc biên giới chung giữa hai nước dài khoảng 3.220km, với chi phí ước tính lên đến 15 tỷ USD. Tổng thống Nieto đã hủy chuyến thăm Mỹ dự kiến vào ngày 31/1 vừa qua sau vụ lùm xùm này. Trong khi đó, chính phủ Mexico khẳng định sẽ không trả tiền cho việc xây dựng bức tường theo chủ trương của Tổng thống Trump, đồng thời khẳng định đây là vấn đề "không thể thương lượng".
Ngoài Mexico, một quốc gia khác cũng đang gặp căng thẳng với Mỹ là Iran - quốc gia tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo vào ngày 29/1 vừa qua. Ngày 3/2, chính quyền của Tổng thống Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các thực thể của Iran. Năm 2015, Iran đã đạt một thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt với Mỹ và các nước khác nhưng Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ đàm phán lại thỏa thuận này. Giờ đây, tương lai của thỏa thuận vẫn nằm trong tay của tân Ngoại trưởng Mỹ.
Chưa hết, hơn 400.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm ở Syria và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lợi dụng sự bất ổn ở quốc gia Trung Đông này để mở rộng lãnh thổ. Theo đó, cuộc khủng hoảng tại Syria đang bị coi là thảm họa nhân đạo lớn nhất hành tinh. Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Obama đã ủng hộ các nhóm phiến quân phản đối chế độ của Tổng thống Assad, tuy nhiên vai trò của Mỹ trong thời gian tới sẽ như thế nào dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Trước khi được phê chuẩn là ngoại trưởng, nhiều ý kiến nêu ra rằng liệu mối quan hệ lâu dài của ông Tillerson với Nga khi còn là lãnh đạo ExxonMobil có dẫn đến xung đột lợi ích hay không. Là nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia, ông Tillerson nắm giữ vai trò đầy thách thức là phục vụ cả Tổng thống - người đã công khai ngưỡng mộ ông Putin, và công chúng Mỹ - những người vốn không ưa nhà lãnh đạo Nga. Đây chắc chắn sẽ là bài toán khó đặt ra cho Ngoại trưởng Tillerson trong thời gian tới.
Theo Tuệ An (Dân Trí)