Bình luận về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp bổ nhiệm trung tướng Herbert Raymond McMaster làm Cố vấn An ninh Quốc gia thay cho ông Michael Flynn mới từ chức, nhà phân tích chính trị Alexander Khrolenko của RIA Novosti cho rằng đây là một tín hiệu “đáng lo ngại đối với Nga và thế giới”.
Ông Khrolenko viết trong bài bình luận đăng tải trên RIA Novosti: “Ông Master làm việc ra sao khi là Cố vấn An ninh Quốc gia vẫn còn phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, danh tiếng chỉ huy của ông thì như đã khắc trên đá”.
Tín hiệu lo ngại đối với Nga và thế giới?
Ông Khrolenko gọi việc bổ nhiệm ông McMaster mà truyền thông Mỹ ca ngợi là “chiến binh trí tuệ đứng đầu quân đội Mỹ” là “một tín hiệu đáng lo ngại với Nga và thế giới”.
Ông đồng thời dẫn lại lời phóng viên Bryan Bender của tờ Politico làm dẫn chứng: “Khoảng 1 thập kỉ trước, ông McMaster có bài phát biểu tại Lầu Năm Góc về việc giải quyết các mối đe dọa mới từ khủng bố Hồi giáo và quân nổi dậy ở Afghanistan, Iraq và một số điểm rắc rối khác. Hiện tại, mục tiêu mới của ông McMaster chính là Moscow”.
Bender cũng lưu ý, McMaster chính là người đầu tiên nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng “rõ ràng trong khi quân đội chúng ta đang tham chiến ở Afghanistan và Iraq, Nga đã nghiên cứu về khả năng và điểm yếu của Mỹ, đồng thời nỗ lực hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng”.
“Quân đội Mỹ thậm chí có thể phải cơ cấu lại nhằm đề phòng trường hợp đối đầu với Nga. Điều này sẽ có tác động sâu sắc tới những gì quân đội Mỹ sẽ làm trong những năm tới như mua thiết bị ra sao và đào tạo các đơn vị của mình thế nào”, Bender dẫn lại lời ông McMaster.
Cũng theo ông Bender, vì là người đứng đầu Trung tâm Tích hợp Năng lực quân đội tại Fort Eustis, Virginia, nên ông McMaster “chịu trách nhiệm dự báo quân đội Mỹ sẽ như thế nào đến năm 2025 và tiếp theo”.
Bài học từ xung đột phía Đông Ukraine
Ông Khrolenko lưu ý rằng “thực tế xung đột phía đông Ukraine mang đến cho McMaster khái niệm quân sự và chống du kích lên một cấp độ mới, cấp độ của các quyết sách đối ngoại”. Mục tiêu của các quyết định này có thể ngăn chặn trực tiếp hoặc gián tiếp và không cần đưa Mỹ vào Thế chiến III.
“Nếu chúng ngoại suy những kinh nghiệm lâu năm của tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cùng quan điểm của ông về chính sách đối ngoại, chúng ta có thể dự đoán với xác suất khá cao các cuộc xung đột quân sự mới trong tương lai gần nhất.
Tôi cũng cho rằng ông James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ các khái niệm và giải pháp của người đồng tư tưởng là ông McMaster”, ông Khrolenko kết lại.
Theo Phan Yến (Tiền Phong)