Nỗ lực 24 năm cuộc đời tan tành trong phút chốc
Sáng sớm Chủ nhật (15/8), tôi đến trường đại học như thường lệ thì thấy một nhóm các bạn nữ chạy ra từ ký túc xá. Tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra thì một người trong số họ nói với tôi rằng cảnh sát đang sơ tán họ vì quân Taliban đã tràn đến Kabul, và họ sẽ đánh đập những phụ nữ không có burqa (hay còn gọi là chadri, là tấm khăn che phủ toàn bộ cơ thể người phụ nữ ở Afghanistan, chỉ trừ đôi mắt).
Tất cả chúng tôi đều muốn về nhà, nhưng lại không thể di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Các tài xế không cho chúng tôi lên xe của họ vì họ không muốn phiền hà nếu bị bắt gặp chở phụ nữ trên xe. Nhưng các bạn nữ đến từ các nơi khác ngoài Kabul còn hoảng sợ hơn bởi họ không biết đi về đâu.
Trong khi đó, những người đàn ông đứng xung quanh đang giễu cợt các cô gái và phụ nữ, cười nhạo lên chính nỗi sợ hãi của chúng tôi. “Hãy đi và mặc chadari của các người vào”, một gã lớn tiếng nói với chúng tôi. “Đây là những ngày cuối cùng các người được ra đường”, một tên khác nói. "Tao sẽ kết hôn với 4 đứa trong số chúng mày cùng một ngày", kẻ thứ ba nói.
Khi các văn phòng chính phủ đóng cửa, chị tôi đã chạy bộ vài km khắp thị trấn để về nhà. “Chị đã phải tắt chiếc máy tính giúp phục vụ người dân và cộng đồng của mình trong 4 năm với rất nhiều đau đớn”, chị kể. “Chị rời bàn làm việc với đôi mắt đẫm lệ và nói lời tạm biệt với các đồng nghiệp của mình. Chị biết đó là ngày cuối cùng chị được làm công việc này”.
Tôi đã gần như hoàn thành đồng thời 2 tấm bằng tại 2 trong số những trường đại học tốt nhất ở Afghanistan. Lẽ ra, tháng 11 này, tôi sẽ tốt nghiệp Đại học Mỹ - Afghanistan và Đại học Kabul, nhưng sáng nay mọi thứ đã tan tành trước mắt tôi.
Tôi đã làm việc rất nhiều ngày đêm để có được ngày hôm nay, và sáng nay khi tôi về đến nhà, điều đầu tiên mà tôi và các chị tôi làm là giấu giấy tờ tùy thân, bằng cấp và chứng chỉ. Nó thật tàn khốc. Tại sao chúng tôi phải che giấu những điều mà chúng tôi nên tự hào? Ở Afghanistan bây giờ, chúng tôi không được phép được biết đến với tư cách là con người nữa rồi.
Tôi cảm thấy mình không còn có thể cười thành tiếng, không còn nghe được những bài hát yêu thích, không còn gặp gỡ bạn bè ở quán cà phê yêu thích, không còn được mặc chiếc váy vàng hay tô màu son hồng yêu thích lên môi. Và tôi không còn có thể đi làm hoặc hoàn thành tấm bằng đại học mà tôi đã nỗ lực trong nhiều năm để có được.
Tôi thích sơn móng tay. Hôm nay, khi đang trên đường về nhà, tôi liếc nhìn thẩm mỹ viện nơi tôi từng đến làm móng. Mặt tiền cửa hàng, vốn được trang trí bằng những bức tranh xinh đẹp của các cô gái, đã bị quét vôi trắng xóa, chỉ sau một đêm.
Tất cả những gì tôi có thể thấy xung quanh mình là khuôn mặt sợ hãi của phụ nữ và gương mặt lạnh lùng của những gã đàn ông ghét phụ nữ. Họ không thích phụ nữ được học hành đàng hoàng, càng không thích phụ nữ đi làm và có tự do.
Phụ nữ Afghanistan đã hy sinh rất nhiều cho sự tự do ít ỏi mà họ có được. Tôi đã cố gắng rất nhiều, vì muốn được học hành tử tế. Tôi đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức về tài chính, nhưng tôi đã có rất nhiều kế hoạch cho tương lai của mình. Tôi không ngờ mọi chuyện lại kết thúc như thế này.
Bây giờ, có vẻ như tôi phải tự tay đốt cháy tất cả những gì tôi đạt được trong 24 năm cuộc đời. Bởi lẽ, cầm trong tay bất kỳ tấm thẻ căn cước công dân hoặc giải thưởng từ Đại học Mỹ hiện nay đều là rủi ro. Ngay cả khi cố tình giữ lại, thì chúng tôi cũng không thể sử dụng chúng. Làm gì có việc cho chúng tôi ở Afghanistan.
Khi các tỉnh lần lượt bị chiếm đóng, tôi nghĩ về những giấc mơ đẹp đẽ của mình. 2 chị em tôi cả đêm không ngủ được, nhớ lại những câu chuyện mẹ tôi thường kể về thời đất nước bị Taliban xâm chiếm và cách họ đối xử với phụ nữ...
Những ngày tháng đen tối sắp đến
Mới chập tối, Zahra, mẹ và 3 chị gái của cô đang trên đường đi ăn tối tại nhà một người chị khác thì thấy mọi người ồ ạt tháo chạy rồi tiếng súng vang lên trên đường phố.
"Quân Taliban đang ở đây!" mọi người la hét.
Chỉ trong vài phút, mọi thứ đã thay đổi đối với cô gái 26 tuổi, cư dân của Herat, thành phố lớn thứ 3 của Afghanistan.
Zahra lớn lên ở Afghanistan khi quân Taliban đã bị đánh lùi. Những người phụ nữ dám ước mơ về nghề nghiệp và các cô gái được đi học. Trong 5 năm qua, cô đã làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận tại địa phương để nâng cao nhận thức của phụ nữ và báo chí về bình đẳng giới.
Những ước mơ và hoài bão của cô đã sụp đổ vào tối thứ Năm (12/8) khi quân Taliban tràn vào thành phố, cắm những lá cờ trắng của họ với tuyên ngôn tín ngưỡng Hồi giáo ở quảng trường trung tâm.
Giống như hầu hết những cư dân khác, Zahra, cha mẹ và 5 anh chị em của cô hiện đang ngồi co ro trong nhà, không dám ra ngoài và lo lắng về tương lai. “Tôi đang bị sốc nặng”, Zahra nói. “Tôi là một người phụ nữ đã rất nỗ lực và cố gắng học hỏi, thăng tiến, vậy mà giờ đây tôi chỉ có thể ở yên trong nhà, làm bạn với 4 bức tường?”
Sau những cuộc tấn công chớp nhoáng trong nhiều ngày qua, Taliban đã kiểm soát hơn 2/3 đất nước, chỉ 2 tuần trước khi Mỹ rút những binh sĩ cuối cùng khỏi nước này.
Zahra đã không đến văn phòng khoảng 1 tháng trước khi Taliban tiếp cận Herat, cô làm việc từ xa tại nhà. Nhưng hôm thứ 12/8, Taliban đã phá vỡ các tuyến phòng thủ của thành phố, và cô không thể làm việc kể từ đó.
Đôi mắt Zahra rưng rưng khi nghĩ đến khả năng mình sẽ không thể trở lại làm việc; rằng em gái 12 tuổi của cô sẽ không thể tiếp tục đến trường dù rất thích học; rằng anh trai của cô sẽ không thể chơi bóng đá; hoặc cô sẽ không thể tự do chơi guitar nữa. Cây đàn vẫn nằm yên trên bức tường phía sau Zahra.
Zahra liệt kê một số thành tựu mà phụ nữ đã đạt được trong 20 năm qua kể từ khi Taliban bị lật đổ - những thành tựu gia tăng, có ý nghĩa trong một xã hội bảo thủ sâu sắc do nam giới thống trị: Trẻ em gái được đi học, phụ nữ tham gia vào Quốc hội, chính phủ và cả việc kinh doanh.
Marianne O'Grady, Phó giám đốc tổ chức CARE International có trụ sở tại Kabul, cho biết những bước tiến của phụ nữ trong 2 thập kỷ qua là rất ấn tượng, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.
“Hàng triệu phụ nữ không thể thất học”, cô nói. "Nếu phụ nữ lùi sau những bức tường và không thể ra ngoài nhiều thì ít nhất bây giờ họ có thể giáo dục anh em họ, hàng xóm và con cái của họ theo những cách mà 25 năm trước không thể xảy ra”.
Tuy nhiên, cảm giác sợ hãi dường như xuất hiện khắp nơi, đặc biệt là ở phụ nữ, khi lực lượng Taliban chiếm nhiều lãnh thổ hơn mỗi ngày.
Zarmina Kakar, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ 26 tuổi ở Kabul, cho biết: “Tôi cảm thấy chúng tôi giống như một con chim làm tổ để kiếm sống và dành toàn bộ thời gian để xây dựng nó, nhưng rồi bất ngờ và bất lực nhìn người khác phá hủy nó”.
Kakar được 1 tuổi khi Taliban tiến vào Kabul lần đầu tiên vào năm 1996, và cô nhớ lại lần được mẹ dẫn đi mua kem, khi Taliban còn thống trị. Mẹ của cô đã bị một binh lính Taliban quất vì để lộ khuôn mặt của cô trong vài phút. “Hôm nay một lần nữa, tôi cảm thấy rằng nếu Taliban lên nắm quyền, chúng tôi sẽ trở lại những ngày đen tối như cũ”, cô nói.
Sự thật đáng sợ
Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết, từ cuối tháng 5 vừa qua, gần 250.000 người Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa vì nỗi lo sợ Taliban lại áp đặt những luật lệ hà khắc, hạn chế mọi quyền của phụ nữ.
Trước đó, trong thời kỳ Taliban cai trị hồi trước năm 2001, phụ nữ Afghanistan không được đi học, đi làm, thậm chí không được ra khỏi nhà nếu không có nam giới đi cùng.
Taliban còn áp dụng những luật lệ như hành quyết công khai, chặt tay những kẻ trộm cướp và ném đá đến chết phụ nữ bị buộc tội ngoại tình.
Hiện chưa có thông tin về các biện pháp cực đoan trên được thực hiện tại các khu vực do Taliban kiểm soát nhưng truyền thông địa phương cho biết một nhóm phụ nữ ở tỉnh Takhar hôm 13/8 đã bị Taliban chặn xe vì "đi dép hở chân". Một giáo viên ở tỉnh nói rằng phụ nữ không được đi chợ nếu không có nam giới đi kèm.
Theo L.T (Pháp Luật & Bạn Đọc)