Trong Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng được La Quán Trung phác họa là vị quân sư kiệt xuất, chiến lược gia tài ba. Thừa tướng Gia Cát Lượng đã lãnh đạo nhà Thục Hán vượt qua nhiều khó khăn, lập công trạng và thưởng phạt công minh. Ngoài ra, khả năng biện luận của Gia Cát Lượng cũng sắc sảo, ngôn từ có sức mạnh như ngàn vạn gươm đao. Ông cũng nổi tiếng là người có tài thần cơ diệu toán, nhờ quan sát thiên văn mà Gia Cát Lượng đoán biết được cái chết của Chu Du và Bàng Thống.
Gia Cát Lượng biết Chu Du qua đời
Chu Du (175 -210) tên tự là Công Cẩn. Ông là danh tướng và khai quốc công thần của Đông Ngô thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Trong Tam quốc diễn nghĩa sau trận chiến Xích Bích (năm 208), Chu Du nhiều lần dụng mưu không qua mắt được Gia Cát Lượng lại còn bị ông ta chọc tức lộn cả ruột gan, thổ huyết ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng!?”. Nói đoạn ngất đi, qua đời ở tuổi 36.
Chính vì thế nhiều người cho rằng Chu Du bị Gia Cát Lượng dùng kế châm chọc, uất khí mà chết. Đó là một nhận định hết sức sai lầm, nếu số mệnh của Chu Du chưa hết thì liệu Gia Cát Lượng có khiêu khích được anh ta tức chết không?
Tam quốc diễn nghĩa có đoạn nói rằng, Gia Cát Lượng ở Kinh Châu, đêm xem thiên văn thấy một ngôi sao tướng tinh rơi xuống, mà nói rằng: “Chu Du chết rồi!”.
Khi trời sáng, Lưu Bị cho người đi do thám thì quả nhiên là vậy. Lưu Bị bèn hỏi Gia Cát Lượng: “Chu Du chết rồi, bên ấy bây giờ ra sao?”.
Khổng Minh đáp: “Người thay Chu Du thống lĩnh binh quyền chắc là Lỗ Túc. Tôi xem thiên văn thấy tướng tinh tụ ở phương Đông. Vậy, Lượng xin đi Giang Nam một chuyến, mượn cớ viếng tang để tìm hiền sĩ về giúp chúa công”.
Gia Cát Lượng biết được kết cục của Bàng Thống.
(178-214), tự là Sĩ Nguyên, hiệu là Phượng Sồ là mưu sĩ của Lưu Bị thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong những mưu sĩ bậc nhất của nhà Thục. Tài năng của ông được người đời ca tụng là ngang với cả Gia Cát Lượng. Ông là người góp công lớn trong việc giúp Lưu Bị chiếm đoạt Ích Châu của Lưu Chương.
Lúc đầu, Bàng Thống ở Giang Nam theo Tôn Quyền. Sau này nhân lúc Chu Du qua đời, Gia Cát Lượng đã sang Đông Ngô, thực hiện kế sách “thuận tay bắt dê”: Vừa giải toả ‘hiểu lầm’ giữa Đông Ngô và Lưu Bị để cả hai tiếp tục “liên hợp kháng Tào”, vừa tiện thể sang Đông Ngô tìm kiếm hiền tài về phò tá cho Lưu Bị.
Kết cục đúng như mong đợi, sau khi khóc tang Chu Du xong, Gia Cát Lượng gặp được Bàng Thống và trao cho ông một phong thư, mong muốn ông nếu ở đây không được trọng dụng hãy về với Lưu Hoàng Thúc (Lưu Bị). Quả nhiên, Tôn Quyền vốn là người cẩn thận, thấy Bàng Thống xốc nổi, ngoại hình xấu xí, thì không ưng, nên Thống mới từ biệt Giang Đông để về với Lưu Bị, đúng ý nguyện của Gia Cát Lượng.
Về cái chết của Bàng Thống, hồi thứ 63 Tam quốc diễn nghĩa kể rằng. Khi Gia Cát Lượng ở Kinh Châu đêm mở tiệc mừng tết ‘Thất tịch’ (ngày 7 tháng 7 âm lịch). Mọi người đều vui vẻ đến dạ tiệc, nhân tiện bàn việc nhập Tây Xuyên. Bỗng nhiên, thấy có một ngôi sao phía chính Tây rớt xuống, to như cái đấu, tỏa ánh hào quang sáng rực. Khổng Minh thất kinh, buông chén rượu rơi xuống đất, vừa ôm mặt khóc òa: “Than ôi! đau đớn thay!”.
Bá quan hốt hoảng, hỏi nguyên do vì sao? Khổng Minh nói: “Ta đã toán một quẻ Thái Ất, năm nay là năm Quý Tỵ; sao Thiên Cang nằm ở Phía Tây, điều đó rất bất lợi cho quân sư. Lại xem thiên văn thấy sao Thiên Cẩu phạm vào quân ta, sao Thái Bạch lâm vào Lạc Thành, nên đã biên thư dặn dò chúa công phải cẩn thận đề phòng. Ai ngờ đêm nay lại nhìn thấy có ngôi sao lớn từ phương Tây rớt xuống. Vậy là mệnh của Bàng Sĩ Nguyên không xong rồi!”.
Quả nhiên, tại gò Lạc Phượng Bàng Thống đã bị mai phục bởi quân Trương Nhiệm. Ông đã hy sinh khi mới 36 tuổi.
Video: Bàng Thống chết ở Lạc Phượng. |
Theo Quốc Tiệp (Nguoiduatin.vn)