Hệ thống tên lửa đánh chặn hiện đại có thể bảo vệ thủ đô Moscow trước cuộc tấn công phủ đầu bằng nhiều tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cùng một lúc.
Một bệ phóng tên lửa chống tên lửa đạn đạo trong hệ thống A-35. Ảnh: Russian Internet. |
Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) do Mỹ và Liên Xô ký năm 1972 có một điều khoản cho phép mỗi bên lựa chọn một khu vực nhất định để triển khai tới 100 tên lửa đạn đạo. Chính điều khoản này đã biến thủ đô Moscow của Nga thành nơi có hệ thống phòng thủ mạnh nhất thế giới, nhờ tấm khiên A-35 trang bị tên lửa A-350, theo National Interest.
Hệ thống A-35 thực chất là một mạng lưới phòng không được thiết kế để đảm bảo thủ đô Moscow của Nga có thể sống sót trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Hệ thống A-35 lần đầu được đề xuất vào thập niên 1950, trong bối cảnh các oanh tạc cơ chiến lược Mỹ bắt đầu được gắn tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ban đầu, Liên Xô muốn thiết lập 42 điểm đánh chặn tên lửa đạn đạo quanh Moscow với 8 trạm radar cảnh báo sớm và một radar điều khiển hỏa lực. Sau đó, số lượng điểm đánh chặn giảm xuống còn 4, mỗi điểm được trang bị 8 bệ phóng với 64 quả tên lửa.
Hệ thống A-35 được trang bị tên lửa chống tên lửa đạn đạo A-350, có kích cỡ gần tương đương tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), sử dụng nhiên liệu lỏng nặng 36 tấn. Với đầu đạn có sức công phá 2-3 megaton, tên lửa A-350 có thể đánh chặn các đầu đạn hạt nhân ở độ cao tới 120 km, đủ để bảo vệ thành phố trước tác động của vụ nổ nhiệt hạch sau đó.
Ngoài tên lửa A-350, thủ đô Moscow còn được bảo vệ bởi 48 tên lửa đất đối không SA-1 Goden Eagle, mỗi quả có tầm bắn 50 km, trang bị đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân để đánh chặn oanh tạc cơ đối phương.
Hệ thống A-35 đủ sức bảo vệ Moscow và điện Kremlin trước 6-8 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman của Mỹ, mỗi quả chứa ba đầu đạn hạt nhân.
Dù vậy, sự gia tăng nhanh chóng số lượng vũ khí hạt nhân của mỗi nước khiến hệ thống A-35 trở nên lạc hậu. Đến thập niên 1960, Mỹ được vũ trang bằng 1000 tên lửa Minuteman III và 600 tên lửa Polaris trên biển, vượt quá khả năng đánh chặn của hệ thống A-35.
Năm 1968, Mỹ lên kế hoạch chi tiết cho chiến tranh hạt nhân nhằm vào Liên Xô, trong đó nêu rõ sử dụng 66 tên lửa Minuteman và hai tên lửa Polaris để loại bỏ tên lửa A-350 và mạng lưới radar của nó bằng hai đợt tấn công, với 8 đầu đạn hạt nhân nhằm vào mỗi mục tiêu.
Đòn tấn công phủ đầu này sẽ hủy diệt Moscow bằng sức công phá 65.200 kiloton chỉ trong vài phút. Để đối chiếu, quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima chỉ có sức công phá 16 kiloton.
Liên Xô buộc phải nâng cấp hệ thống A-350 vào giữa thập niên 1970 để không những bảo vệ thủ đô trước cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực mà còn một cuộc chiến hạt nhân có giới hạn.
Một bệ phóng tên lửa A-350 bỏ hoang ở Sary Shagan. Ảnh Russian Internet. |
Hệ thống mới mang tên A-135 nâng cấp bổ sung 68 bệ phóng tên lửa mới bên cạnh 32 bệ phóng ban đầu, giúp Moscow sở hữu 100 bệ phóng theo hạn chế của hiệp ước ABM. Hệ thống này sử dụng hai loại tên lửa gồm Novator 53T6 (NATO định danh Gazelle) có khả năng đánh chặn ở độ cao 100 km và OKB Fakel 51T6 (Gorgon) có thể đánh chặn mục tiêu ngoài tầng khí quyển. Cả hai vũ khí đánh chặn này đều chứa các đầu đạn có sức công phá 10 kiloton, nhỏ hơn nhiều so với đầu đạn A-350 và là một thử thách với độ chính xác của tên lửa Nga.
32 tên lửa Gorgon trong "tấm khiên" A-135 hết niên hạn sử dụng và bị loại biên năm 2006. Trong khi đó, tên lửa mới thay thế tên lửa 53T6 giữ nguyên tên gọi, có tầm bắn 80 km và độ cao 30 km.
Dù sở hữu các tên lửa mới, tương lai hệ thống ABM của Moscow vẫn chưa rõ ràng. Phần lớn hệ thống hiện nay đã lạc hậu và cần thay thế với chi phí đắt đỏ trong khi ngân sách quốc phòng Nga bắt đầu suy giảm. Theo hiệp ước START mới, họ chỉ có thể triển khai tổng cộng 1.550 đầu đạn hạt nhân nên sớm muộn Nga cũng phải quyết định tiếp tục duy trì một hệ thống hạn chế như A-135 hay tập trung vào khả năng răn đe hạt nhân, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)