Số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trong 24 giờ ở Nam Phi hôm 02/12 tăng lên 11.535 so với 8.561 ca hôm 01/12 và 4.373 trước đó một ngày, theo thống kê chính thức.
Tỷ lệ số ca dương tính trên tổng số xét nghiệm ở Nam Phi hiện là 22,4%, tăng cao so với mức 16,5% hôm 01/12, theo Viện Quốc gia Bệnh Truyền nhiễm Nam Phi (NICD).
Hầu hết các ca nhiễm mới được chẩn đoán tại tỉnh Gauteng, nơi có khu đô thị Johannesburg. Tỉnh này hôm 02/12 ghi nhận tới 8.280 ca nhiễm.
"Omicron có lẽ là biến chủng lây lan nhanh nhất ở Nam Phi từ trước tới nay," Tulio de Oliveira, giám đốc Trung tâm Phản ứng và Sáng tạo Dịch bệnh ở Đại học Stellenbosch cho biết.
Giới khoa học cảnh báo vẫn còn quá sớm để khẳng định biến thể Omicron khiến số lượng ca nhiễm tăng cao chóng mặt trong thời gian qua, nhưng một số ý kiến cho rằng số ca nhiễm tăng cao như vậy cho thấy Omicron có thể đã vượt qua Delta trở thành biến thể phố biến trong khu vực.
Delta là biến thể phổ biến nhất tại tất cả các tỉnh ở Nam Phi cho tới cuối tháng 10, nhưng NICD hôm 01/12 cho biết Omicron chiếm tới 74% số mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene trong tháng 11.
Giáo sư vaccine học Shabir Madhi tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg cho rằng bằng chứng tới lúc này cho thấy Omicron lây lan nhanh hơn Delta.
"Đa số ca nhiễm hiện nay có triệu chứng nhẹ," Shabir Madhi cho biết thêm, bổ sung rằng hầu hết các bệnh nhân ho khan, sốt và toát mồ hôi ban đêm.
Delta gây ra làn sóng Covid-19 thứ ba ở Nam Phi, với số ca nhiễm mỗi ngày lên tới 26.000 hồi đầu tháng 07. Omicron được cho là sẽ gây ra làn sóng thứ tư. Một số nhà khoa học lo ngại làn sóng này đã bắt đầu.
Số ca nhập viện cũng đã tăng nhưng không nhanh như số ca nhiễm mới được ghi nhận, theo Madhi. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính tăng cao cũng gây lo ngại và cho thấy "virus đang lây nhiễm rất rộng", ông này bổ sung.
Với tốc độ lây nhiễm hiện nay, Nam Phi có thể ghi nhận tới 30.000-40.000 ca nhiễm mỗi ngày.
Các chuyên gia ở Nam Phi cũng cho biết biến thể Omicron dường như gây ra hiện tượng tái nhiễm nhiều gấp ba lần so với các chủng trước đây.
Theo bằng chứng do NICD thu thập, Omicron có thể né tránh miễn dịch được tạo ra sau ở người bệnh từng mắc biến thể khác của Covid-19. Điều này khiến tỷ lệ tái nhiễm ở Omicron tăng cao tới ba lần so với trước đây.
Trung tâm Mô hình và Phân tích Dịch tễ Nam Phi và NICD cho biết những phát hiện mới nhất "cung cấp bằng chứng dịch tễ về khả năng né tránh miễn dịch được tạo ra sau khi từng nhiễm Covid-19 của Omicron".
"Chúng tôi tin rằng việc từng mắc Covid-19 không mang lại sự bảo vệ trước Omicron," theo chuyên gia Anne von Gottberg của NICD.
Cũng theo Anne von Gottberg, các bác sĩ đã chứng kiến "việc tái nhiễm Covid-19 biến thể Omicron tăng cao".
"Chúng tôi tin rằng số ca nhiễm sẽ tăng mạnh ở tất cả các tỉnh tại Nam Phi. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng vaccine vẫn sẽ bảo vệ người bệnh trước khả năng bệnh trở nặng. Vaccine luôn là phương pháp đáng tin cậy để bảo vệ chúng ta trước bệnh nặng, nhập viện và tử vong," von Gottberg nói.
Các nhà khoa học của Trung tâm Mô hình và Phân tích Dịch tễ Nam Phi cũng thông báo dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron không gây bệnh nặng như các biến thể khác, tuy vậy điều này có thể bị ảnh hưởng bởi thực tế là các ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện ở bệnh nhân trẻ tuổi, hoặc ở những hành khách mới được kiểm tra sức khỏe.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)