“Chúng tôi đang kiểm soát tất cả các biên giới”, Mujahid nói với các phóng viên tại cuộc họp báo đầu tiên ở Kabul kể từ khi Taliban tiếp quản. Ông nói rằng một chính phủ đang được thành lập và "sẽ được ra mắt sau khi hoàn thành”.
Trong bối cảnh nhiều đồng minh của lực lượng nước ngoài tìm mọi cách để rời khỏi Afghanistan vì lo ngại bị trả thù, Mujahid tuyên bố những kẻ thù của Taliban sẽ được “ân xá”.
“Chúng tôi tha thứ cho tất cả mọi người vì lợi ích của sự ổn định và hòa bình ở Afghanistan”, Mujahid nói. “Nhưng những người đã mất mạng khi chiến đấu vì kẻ thù, thì đó là lỗi của chính họ. Chúng tôi giành được Afghanistan chỉ trong vài ngày.”
Mujahid đảm bảo rằng các phiên dịch viên và các đồng minh của quân đội Mỹ sẽ không bị thẩm vấn hoặc bị trả thù.
“Không ai đến gõ cửa và hỏi xem họ đã làm việc cho ai”, Mujahid khẳng định, và nói thêm rằng các công dân Afghanistan trẻ tuổi nên ở lại quê hương.
Mujahid không đưa ra quá nhiều chi tiết cụ thể về việc “chính phủ” mới được thành lập, nhưng ông có đề cập đến cách xử lý một số vấn đề, bao gồm cả quyền tự do báo chí. Mujahid hứa rằng báo chí có thể duy trì “tự do và độc lập”, nhưng phải hoạt động “trong khuôn khổ văn hóa”.
Taliban sẽ không chấp nhận “bất kỳ hoạt động truyền thông nào ở đất nước chúng tôi chống lại Hồi giáo và người Hồi giáo.”
Tương tự, ông cho biết phụ nữ sẽ có quyền làm việc và học tập, nhưng phải “trong khuôn khổ”. Quyền phụ nữ, theo Mujahid, sẽ được xây dựng dựa trên hệ thống luật Hồi giáo Sharia.
Mujahid cũng hứa hẹn về một đất nước không có ma tuý, nhưng nhấn mạnh rằng sẽ cần sự giúp đỡ từ các nước khác vì Afghanistan cần "cây trồng thay thế" để thay cho những cánh đồng anh túc đang nở rộ.
Khi Taliban giành được thủ đô Kabul, một số đại sứ quán đã được sơ tán, bao gồm cả Mỹ. Tuy nhiên, nhân viên ngoại giao của một số quốc gia, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, được cho là đã liên hệ với lãnh đạo Taliban.
Các bộ trưởng ngoại giao của Liên minh châu Âu đã họp vào thứ Ba để thảo luận về cách tốt nhất tiếp cận Taliban, trong bối cảnh nhóm này đang tìm kiếm sự công nhận và hỗ trợ của quốc tế.
Người đứng đầu cơ quan chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, đã đưa ra một tuyên bố trước khi Taliban tiếp quản Kabul, cảnh báo nhóm này sẽ phải đối mặt với “sự cô lập” nếu chiếm lại thành phố. Tuy nhiên, Borrell dường như đã thay đổi trong tuần này, khi thừa nhận rằng Taliban đã "chiến thắng" trong cuộc xung đột quân sự, do đó EU có nghĩa vụ phải nói chuyện với các nhà lãnh đạo của phong trào này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow chưa vội công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp của Afghanistan, vì nhóm này vẫn bị Moscow xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, ông Lavrov công nhận trong cuộc họp báo hôm thứ ba, rằng “cách Taliban thể hiện sự sẵn sàng tôn trọng ý kiến của người khác là một dấu hiệu tích cực.”
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)