Theo hãng tin Reuters, số tiền trên bị phong tỏa kể từ khi Taliban lật đổ chính phủ được phương Tây hậu thuẫn vào tháng 8. Hiện nay, Afghanistan đang đối mặt với tình trạng khan hiếm tiền mặt, nạn đói rộng khắp và một cuộc khủng hoảng di cư mới.
Ahmad Wali Haqmal, một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Afghanistan nói, chính phủ nước này sẽ tôn trọng nhân quyền, gồm cả vấn đề giáo dục của phụ nữ, khi ông tìm kiếm nguồn tin mới bên cạnh viện trợ nhân đạo ít ỏi mà nước này có được.
Trong thời kỳ Taliban nắm quyền trước đây, từ 1996-2001, phụ nữ hầu như không được đi làm, đi học và thường phải che mặt, có người thân là nam giới đi cùng khi rời nhà.
“Tiền thuộc về đất nước Afghanistan. Chỉ cần đưa tiền của chính chúng tôi cho chúng tôi. Việc đóng băng số tiền đó là phi đạo đức và đi ngược lại mọi luật lệ, giá trị quốc tế”, ông Ahmad Wali Haqmal nói với Reuters.
Một quan chức Ngân hàng Trung ương Afghanistan kêu gọi các quốc gia châu Âu, gồm cả Đức giải ngân số tiền dự trữ của Afghanistan để tránh cho nền kinh tế nước này sụp đổ và gây ra làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu.
Shah Mehrabi, một thành viên của Ngân hàng Trung ương Afghanistan nói: “Tình hình hiện nay rất tuyệt vọng và số lượng tiền mặt đang giảm dần. Ngay bây giờ… chỉ đủ để duy trì đất nước tới cuối năm. Châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu Afghanistan không lấy được tiền. Bạn sẽ gặp một vấn đề kép, đó là không tìm được bánh mỳ và không có tiền để mua nó. Mọi người đều tuyệt vọng. Họ sẽ tới châu Âu”.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Afghanistan đối mặt với sự sụp đổ của nền kinh tế vốn đã yếu ớt. Lực lượng do Mỹ đứng đầu và nhiều nhà tài trợ quốc tế rời đi khiến Afghanistan không có khoản trợ cấp nào cho 3/4 chi tiêu công.
Dù các cường quốc phương Tây muốn ngăn chặn một thảm họa nhân đạo tại Afghanistan, nhưng họ vẫn từ chối chính thức công nhận chính phủ Taliban.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)