Theo báo cáo về dự thảo ngân sách được công bố trong phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV hôm 5/3, Bắc Kinh sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 7,2% trong năm 2023 đạt 1,55 nghìn tỷ Nhân dân tệ (224 tỷ USD).
Đây là năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng một con số cho ngân sách quốc phòng. Năm 2021, Trung Quốc cũng đã tăng ngân sách quốc phòng lên 7,1% đạt 1,45 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Trong khi đó, Trung Quốc dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay là 5%.
Theo Tân Hoa Xã, việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ giúp Trung Quốc “huấn luyện tốt hơn các lực lượng quân sự, trang bị thêm vũ khí hiện đại, đồng thời hỗ trợ quân đội giải quyết những mối đe dọa an ninh phi truyền thống như đại dịch và thảm họa thiên nhiên”.
Phó giáo sư Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng, chi tiêu quốc phòng vượt xa dự báo tăng trưởng kinh tế cho thấy Trung Quốc lường trước được sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong môi trường an ninh bên ngoài.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đang tăng cường nỗ lực chuẩn bị cho quân đội năng lực để đối phó trước mọi thách thức an ninh tiềm tàng, bao gồm những tình huống bất ngờ”, ông Li nhận định.
Ông Richard A. Bitzinger, một chuyên gia nghiên cứu quân đội Trung Quốc, từng giảng dạy tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết ngay cả khi cần chi tiêu nhiều hơn cho bệnh viện, trường học và phúc lợi, nhiều người Trung Quốc vẫn ủng hộ việc tiếp tục tăng chi tiêu quân sự.
“Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc gần đây đã vượt xa GDP, điều này dường như đang rất, rất quan trọng với họ, nhất là trong hoàn cảnh thế giới ngày càng khó lường và bất ổn”, tờ New York Times dẫn lời ông Bitzinger.
Trên thực tế, Trung Quốc đang bận rộn bổ sung hàng loạt khí tài mới bao gồm tên lửa, tàu sân bay và tiêm kích tàng hình. Lâu nay, Trung Quốc tuyên bố họ cần phải thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ. Điển hình, Trung Quốc có 3 tàu sân bay, so với 11 chiếc đang hoạt động của Mỹ. Nhưng khi tính tổng thể, hải quân Trung Quốc lại đang sở hữu số tàu chiến nhiều hơn so với hải quân Mỹ.
Giáo sư Takashi Kawakami tại Đại học Takushoku ở Tokyo nói rằng, Trung Quốc dường như sẽ ưu tiên cho năng lực hạt nhân. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã đưa ra dự báo con số hơn 400 đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc sẽ nhanh chóng tăng lên 1.000.
“Trung Quốc có thể sẽ sử dụng ngân sách quốc phòng để xây dựng năng lực mạng và vũ trụ, cùng lực lượng tàu ngầm để nhắm mục tiêu vào các cáp ngầm dưới biển”, ông Kawakami nói.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc dự chi cho năm 2023 hiện bằng khoảng 1/4 chi tiêu quân sự được đề xuất của Mỹ. Đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2023 của Mỹ là 858 tỷ USD để phục vụ nhiều chương trình như mua vũ khí, tàu chiến và máy bay...
Một bài báo được xuất bản vào tháng 10/2022 trên tạp chí của Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, đã đưa ra khuyến nghị tăng chi tiêu quốc phòng quốc gia, giữa lúc các quốc gia trong khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu cũng tăng mạnh ngân sách quân sự.
"Vấn đề không phải là tham gia cuộc chạy đua vũ trang quốc tế, mà là bảo vệ an ninh quốc gia”, bài báo viết.
Theo Minh Thu (VietNamNet)