Tại sao nước Mỹ không thể kiểm soát súng đạn?

02/10/2015 15:21:16

Các vụ xả súng xảy ra như cơm bữa tại Mỹ, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama bất lực. Tất cả mọi dự luật thắt chặt kiểm soát súng đạn đều rơi vào quên lãng tại Quốc hội.

Các vụ xả súng xảy ra như cơm bữa tại Mỹ, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama bất lực. Tất cả mọi dự luật thắt chặt kiểm soát súng đạn đều rơi vào quên lãng tại Quốc hội.

Cảnh sát kiểm tra túi xách của sinh viên và giáo viên tại Cao đẳng cộng đồng Umpqua, bang Oregon sau vụ xả súng ngày 1/10. Ảnh: AP

Đây là lần thứ 15 ông Obama phát biểu về một vụ bạo lực súng đạn kể từ khi lên nắm quyền ở Nhà Trắng vào năm 2009. "Chúng ta có thể làm một điều gì đó (để thay đổi tình hình), nhưng chúng ta phải thay đổi luật pháp", ông Obama nhấn mạnh.

Có lẽ đó là nhiệm vụ bất khả thi đối với ông Obama. Tổng thống Mỹ cũng từng rất nhiều lần khẳng định một cách mạnh mẽ và quyết liệt như vậy, nhưng từ nhiều năm qua chính quyền Washington liên tục thất bại trong việc thắt chặt kiểm soát súng đạn.

Cứ sau mỗi vụ thảm sát, dư luận và giới truyền thông Mỹ lại bừng bừng phẫn nộ, đòi hạn chế súng đạn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những lời kêu gọi này rơi vào quên lãng.

Nếu Washington có thể thông qua luật kiểm soát súng đạn mới thì điều đó đã diễn ra từ tháng 12/2012 sau vụ thảm sát ở New Town, Connecticut.

Khó có thể tưởng tượng một bi kịch nào khủng khiếp hơn thế: 20 trẻ em nhỏ và 6 giáo viên trường tiểu học Sandy Hook bị một thanh niên trẻ tâm thần bắn chết. Hàng loạt dự luật quy mô nhỏ được đệ trình lên Đồi Capitol nhưng rồi chết yểu. Vì vậy, chắc chắn vụ thảm sát ở Oregon cũng sẽ chẳng thay đổi được gì.

Tại sao nước Mỹ không thể kiểm soát súng đạn dù những vụ tắm máu liên tiếp xảy ra? 

Bản đồ
 

Những nơi từng xảy ra các vụ xả súng đẫm máu trên toàn nước Mỹ. Đồ họa: VOX


Đầu tiên, cần phải thấy rằng súng là một phần cơ bản của nền văn hóa và di sản chính trị truyền thống của nước Mỹ từ thuở sơ khai. Tu chính án thứ hai trong hiến pháp Mỹ quy định quyền được sở hữu vũ khí. Như vậy, quyền sở hữu súng được xem là quyền cơ bản của công dân Mỹ.

Vì vậy, nền văn hóa súng đạn Mỹ phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều người Mỹ yêu thích súng đạn và tự hào với việc mình sở hữu súng đạn.

Huffington Post dẫn khảo sát của chính phủ Mỹ cho hay, năm 2012 khoảng 34% hộ gia đình Mỹ có súng, tương đương hơn 100 triệu người Mỹ sở hữu súng. Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nhưng người Mỹ sở hữu tới 30-50% tổng số súng đạn cá nhân toàn cầu.

Các khảo sát cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng súng đạn là cần thiết để tự vệ, đặc biệt là các cử tri Cộng hòa. Khảo sát của Gallup năm 2008 cho thấy 41% người theo đảng Dân chủ và 53% người theo đảng Cộng hòa cho rằng súng đạn giúp ngôi nhà của họ an toàn hơn. Đến năm 2014, con số này là 41% và 81%.

Do quá nhiều người Mỹ sở hữu súng, ngành công nghiệp súng đạn có ảnh hưởng chính trị vô cùng to lớn. Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA), đại diện ngành công nghiệp súng đạn, là một trong những tổ chức vận động hành lang hùng mạnh và giàu thế lực nhất nước Mỹ. Cứ sau mỗi vụ xả súng, NRA mở chiến dịch vận động ủng hộ súng đạn.

Vùng cấm chính trị
 

Một sinh viên của Cao đẳng Cộng đồng Umpqua khóc vì sợ hãi sau thảm kịch diễn ra tại trường. Ảnh: AP

Sau vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook, Phó chủ tịch NRA Wayne LaPierre, hùng hồn tuyên bố: "Thứ duy nhất để ngăn chặn một kẻ xấu có súng là một người tốt có súng".

Sau đó, NRA mở chiến dịch vận động "Chặn đứng lệnh cấm súng". Và kết quả là dự luật cấm súng trường có sức sát thương cao bị đánh bại ở Thượng viện Mỹ. NRA và các đồng minh cũng tổ chức nhiều chiến dịch vận động dữ dội để cản trở các bang ở Mỹ thông qua luật hạn chế súng đạn.

NRA còn rất thành công trong việc tiêm nhiễm vào đầu người dân Mỹ về cái gọi là nguy cơ chính phủ liên bang (đặc biệt là Tổng thống Obama) âm mưu tước vũ khí của người dân để trở thành một nhà nước chuyên quyền, độc tài.

Theo USA Today, thống kê cho thấy, cứ sau vụ xả súng và những lời kêu gọi kiểm soát súng đạn là doanh số bán súng ở Mỹ tăng vọt vì người dân sợ nguy cơ chính quyền cấm bán súng.

Kiểm soát súng đạn cũng còn bị xem là "vùng chết chính trị". Thông thường, đảng Cộng hòa ủng hộ sở hữu súng còn đảng Dân chủ tìm cách hạn chế. Nhưng nhiều chính trị gia Dân chủ cho rằng chính sách hạn chế súng đạn đã khiến các ứng cử viên đảng này thất bại trong các cuộc bầu cử ở các bang nông thôn như West Virginia, Missouri, Ohio, Arkansas, Colorado, Pennsylvania…

Họ cho rằng cựu phó tổng thống Al Gore thất bại ngay tại chính bang quê hương Tennessee khi tranh cử tổng thống hồi năm 2000 là do quan điểm phản đối súng đạn. Vì vậy, nhiều chính trị gia Dân chủ tránh né, không dám đụng đến vấn đề súng đạn vì sợ mất lá phiếu. Bản thân ông Obama dù tuyên bố rất nhiều về nhu cầu kiểm soát súng đạn nhưng chưa làm được gì cụ thể vì sự cản trở ở Quốc hội.

Với số súng đạn tràn ngập, chắc chắn sẽ còn nhiều vụ thảm sát xảy ra ở Mỹ. Nhưng kiểm soát súng đạn sẽ mãi chỉ là một ảo tưởng.
 
>> Du học sinh Mỹ: "Tôi đang chạy thì người bên cạnh bị bắn vào đầu"
>> Mỹ công bố danh tính thủ phạm vụ xả súng đẫm máu ở Oregon
>> Hiện trường vụ thảm sát bằng súng ở trường học Mỹ
>> Xả súng kinh hoàng tại đại học Mỹ, 10 người chết
 
Theo Nhật Minh (Zing.vn)

Nổi bật