Tại sao 'Mắt đỏ' không giúp T-90 cản được tên lửa TOW?

10/06/2018 08:54:58

Trên chiến trường Syria, đã có ít nhất 1 xe tăng T-90A bị tên lửa BGM-71 TOW đánh trúng tháp pháo, chính diện với hướng bảo vệ của "Đôi mắt đỏ" OTShU-1-7.

Vào đầu năm 2016, trên các phương tiện truyền thông quốc tế đã xuất hiện hình ảnh 1 chiếc xe tăng T-90A trong biên chế Quân đội Chính phủ Syria bị tên lửa TOW từ tay phiến quân bắn trúng.

Đáng chú ý là góc chạm của quả đạn thẳng hướng với tháp pháo và ngay trong vùng bảo vệ lý tưởng của đèn nhiễu OTShU-1-7 thuộc hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1, nguyên nhân nào đã khiến tên lửa BGM-71 vượt qua được lớp bảo vệ trên?

Tại sao 'Mắt đỏ' không giúp T-90 cản được tên lửa TOW?
Chiếc T-90A của Quân đội Chính phủ Syria bị tên lửa BGM-71 TOW đánh trúng tháp pháo

Đầu tiên cần xem xét cấu tạo của Shtora, đây là một tổ hợp phòng vệ mềm, có khả năng đánh bại tất cả các loại tên lửa chống tăng có điều khiển. 

Kết cấu tổ hợp gồm các cảm biến laser xung quanh tháp pháo để thu tín hiệu khi xe bị hệ thống chỉ thị bằng hoặc đo xa laser chiếu đến, báo hiệu việc đang bị ngắm bắn.

Khi phát hiện đe dọa, máy tính trung tâm sẽ điều khiển các ống phóng đạn khói ngụy trang để làm mất phản xạ laser và che mắt xạ thủ ATGM giúp xe rút lui.

Cuối cùng là 2 mắt đỏ OTShU-1-7 để làm giả bước sóng của đèn tín hiệu lắp ở đuôi tên lửa, khiến hệ thống điều khiển bắn bị nhầm lẫn, làm nó đưa ra chỉ dẫn sai khiến tên lửa hoặc lao đầu xuống đất, hoặc là bay lên trời.

Tại sao 'Mắt đỏ' không giúp T-90 cản được tên lửa TOW? - 1
Một chiếc xe tăng T-90A của Quân đội chính phủ Syria bị tiêu diệt

Tuy nhiên thế hệ tên lửa TOW đầu tiên không dùng bộ cảm biến đo xa laser để chỉ thị mục tiêu, vì vậy mà Shtora-1 không thể nhận biết việc bị ngắm bắn, dẫn tới không đưa ra được biện pháp đối phó phù hợp.

Tuy nhiên ở các phiên bản TOW sau này, tên lửa đã được tích hợp bộ điều khiển laser và không cần dây dẫn như các thế hệ đầu tiên nữa, nhưng thật đáng ngạc nhiên là chiếc xe tăng T-90A của Syria vẫn bị trúng đạn BGM-71E như thường.

Điều đó được giải thích có thể do cảm biến của T-90A không thực sự nhạy như quảng cáo, hoặc xạ thủ điều khiển tên lửa của phiến quân đã quá khôn ngoan khi không bật thiết bị đo xa laser để ngắm bắn và điều khiển đạn trực tiếp ở chế độ thủ công như các phiên bản TOW đời cũ.

Tóm lại, đèn nhiễu OTShU-1-7 chỉ phát huy tác dụng khi hệ thống phòng vệ mềm Shtora-1 phát hiện bị chiếu laser, nếu đối phương không dùng thiết bị này hay sử dụng bộ ngắm bắn thông qua ảnh hồng ngoại như tên lửa FGM-148 Javelin thì nó chắc chắn sẽ vượt qua được "Con mắt đỏ" của T-90.

Kết quả thực chiến tại Syria và thử nghiệm lý thuyết cho thấy OTShU-1-7 không thể cản được tên lửa đời cao như Javelin đã khiến Ấn Độ và Iraq quyết định loại bỏ nó trên xe tăng T-90 của mình.

Theo Chí Linh (Đất Việt)

Nổi bật