Tài sản của một viên quan bằng 15 năm thu nhập của quốc khố
Hòa Thân tên đầy đủ là Nữu Hỗ Lộc Hòa Thân, sinh năm Càn Long thứ 15 (1750-1799). Xuất thân là một công tử Mãn Châu, gia thế tuy không hiển hách song cũng là gia tộc quân công. Vào năm Càn Long thứ 33 (1768), Hòa Thân cưới con gái của Tổng đốc Phùng Anh Liêm, từ đó như “cá chép hóa rồng”, con đường quan lộ thẳng tiến mặc cho con đường khoa cử không mấy thành công.
Khi mới gia nhập triều đình, năm 22 tuổi, Hòa Thân giữ chức vị Tam đẳng Thị vệ. Nhờ sự khôn khéo và hiểu biết của mình Hòa Thân được Càn Long rất tín nhiệm, trọng dụng. Bởi vậy, tới năm Càn Long thứ 38 (năm 1773), Hòa Thân được giữ chức Đại thần Quản khố, chuyên lo việc quản lý tiền bạc. Từ đây, ông bắt đầu rèn luyện quản lý tài chính. Năng khiếu về chuyện tiền bạc của Hòa Thân từng nhiều lần khiến Hoàng đế trầm trồ khen ngợi.
Tháng Giêng năm 1776, Hòa Thân nhậm chức Thị lang Bộ Hộ. Tới tháng 3 năm đó, ông lại được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản phủ Nội Vụ. Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), Đại học sỹ kiêm Tổng đốc Vân Quý là Lý Thị Nghiêu bị tố giác tham nhũng. Càn Long liền hạ lệnh cho Thị lang Bộ Hình là Khách Ninh và Hòa Thân điều tra vụ việc. Sự việc bê bối của họ Lý gác lại, Hòa Thân cũng lén lút “bỏ túi” được phân nửa tài sản của tên tham quan này. Sau đó, Càn Long lại càng trọng dụng ông ta. Hòa Thân lúc này lại thêm say mê tiền tài, quyền lực.
Vào năm 1788, trong 3.000 vạn lạng bạc tiền thu thuế, Càn Long đã để Hòa Thân tự do chi phí cho mọi hoạt động của triều đình. Trong lần này, với tài biến hóa sổ sách, Hòa Thân đã đút túi không dưới vài vạn lạng. Sử sách Trung Quốc còn ghi lại rằng vào cuối đời Càn Long, trong các cống phẩm và vật dụng các tỉnh cống nạp triều đình thì chỉ có 12% được đưa vào ngân khố, 88% còn lại “bị hút” về phủ Hòa Thân. Cho tới ngày nay, vẫn không ai biết rằng Hòa Thân đã tham ô tổng cộng bao nhiêu tiền, bao nhiêu lần. Hoặc có lẽ ngay tới chính bản thân tham quan họ Hòa này cũng không nhớ nổi mình có bao nhiêu gia sản.
Càn Long được biết đến là một vị vua túc trí đa mưu thì hà cớ gì lại để cho Hòa Thân “một tay che trời” như vậy? Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, trên thực tế, không phải Càn Long không biết những gì Hòa Thân làm, tuy nhiên, cân nhắc giữa lợi và hại để tiếp tục bao che hay tiêu diệt Hòa Thân, Càn Long đã chọn phương án thứ nhất.
Thứ nhất, Hòa Thân thực chất chính là một chiếc túi tiền không đáy để nhà vua mặc sức bòn rút. Càn Long khi về già càng thích hưởng lạc, xa hoa. Mỗi lần vi hành của Hoàng đế đều tiêu tốn một số lượng tiền khổng lồ. Trong khi đó, quốc khố vốn chỉ đủ tiêu, vì vậy, một vị quan tham với túi tiền lớn như Hòa Thân nghiễm nhiên trở thành “két sắt” của Càn Long.
Thứ hai, Hòa Thân được xem là một bề tôi sở hữu thiên phú lấy lòng Hoàng đế. Chỉ cần nhìn qua một cử chỉ hay ánh mắt của Càn Long, tham quan này đã biết phải làm gì, nên nói gì. Nhờ tài nịnh bợ hơn người, Hòa Thân luôn thấu hiểu thánh ý và đem lại sự hài lòng cho Càn Long.
Thứ ba, Hòa Thân thực sự là một nhân tài. Mặc dù bị coi là một đại tham quan, nhưng ông ta luôn duy trì những nguyên tắc, phàm là những chỗ không nên tham ô thì cương quyết không lấy dù chỉ một đồng.
Tuy nhiên, dù được ưu ái đến đâu thì ngay khi Càn Long qua đời, Hòa Thân cũng đã bị luận tội và phải lựa chọn cái chết là tự tử để toàn thây.
Rất yêu chiều tham quan, nhưng với con cái lại vô cùng nghiêm khắc khiến các hoàng tử không chết thì cũng ngẩn ngơ, có người giả điên để tránh tai họa đổ xuống đầu.
Sử sách ghi lại rằng, vua Càn Long có 17 vị hoàng tử nhưng có tới 12 người chết từ rất sớm do bệnh tật và nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, nhiều người vì quá sợ cha mà qua đời.
Từ sự kiện "cửu tử đoạt đích" trong thời Khang Hy, Càn Long càng cảnh giác cao độ và mở ra chế độ quản giáo với áp lực vô cùng cao dành cho các hoàng tử.
Càn Long có tổng cộng hơn 40 người vợ, nhưng chỉ có 17 hoàng tử và 10 công chúa. Do hoàng đế sống thọ tới 89 tuổi nên hậu thế của ông cũng rất đông. Theo thống kê có tới hơn 100 người là cháu, chắt, chít ra đời khi ông còn sống.
Trong 17 vị hoàng tử này có 7 người đều chưa tới 10 tuổi đã qua đời do bệnh nặng, họ bao gồm Vĩnh Liễn, Vĩnh Tông, Vĩnh Tinh, Vĩnh Lộ và 3 người chết yểu. Còn có 2 người được quá kế cho 2 anh em họ của Càn Long làm con, họ là Vĩnh Thành và Vĩnh Dung. Vĩnh Hoàng, Vĩnh Chương, Vĩnh Kỳ đều lần lượt qua đời vào những năm Càn Long thứ 15, 25, và 31. Vì thế, sau này Càn Long chỉ có thể lựa chọn người kế vị trong số 5 người con còn lại.
Vì muốn tránh việc huynh đệ tương tàn, tranh giành hoàng vị như thời vua Ung Chính nên Càn Long vô cùng coi trọng việc giáo dục con cháu, một mặt yêu cầu học hành thật tốt, trở thành người có tri thức, lễ phép, có giáo dưỡng, văn hóa. Càn Long một lòng một dạ muốn dùng phòng học để khiến các hoàng tử tu thân dưỡng tính, ông sợ các hoàng tử hành động quá tự do sẽ kết bè kết phái, hoặc dùng thân phận cao quý của mình để ra ngoài làm chuyện ác, như vậy sẽ tạo thói quen ngang ngược, hống hách, tồi tệ. Hơn nữa ông cũng lo sợ các hoàng tử sẽ tự đốn binh, sau này mưu phản, tranh giành hoàng vị.
Càn Long từng nói với các thầy giáo trong thượng thư phòng rằng: Phải biết đạo lý làm người, làm việc phải có quy tắc. Vì thế, Càn Long vô cùng căm ghét những hành vi vô phép tắc kỷ cương của các hoàng tử. Năm Càn Long thứ 13, Đích Hoàng hậu Phú Sát Thị qua đời, thứ hoàng tử (con của phi tần) Vĩnh Hoàng, Vĩnh Chương biểu hiện không đủ bi thương trong tang lễ khiến Càn Long nổi giận, trách mắng họ rằng chưa làm tròn đạo hiếu, không coi ai ra gì.
Nổi trận lôi đình, Càn Long quát mắng cả buổi 2 thái tử, thậm chí mất kiểm soát nhớ tới việc huynh đệ tương tàn tranh giành hoàng vị đời cha ông, Càn Long lại đổi ý định: "Sau này các ngươi chắc chắn sẽ huynh đệ tương tàn, so với việc huynh đệ tương tàn, thà rằng bây giờ ta giết các ngươi". Nếu như không phải là thị vệ khổ sở can ngăn thì cả hai người con trai này đều đã bị Càn Long chém chết (theo Thanh sử). Không lâu sau, con trai trưởng 21 tuổi bị Càn Long làm cho kinh hãi quá mức mà qua đời, Tam Hoàng Tử cũng qua đời năm 26 tuổi.
Tháng 7 cùng năm đó, một viên quan nhỏ ở Sơn Tây đã gửi thư cho Tứ A Ca đã được quá kế, sau đó việc này bị Càn Long phát hiện hạ lệnh lăng trì xử tử người này, Tứ A Ca vì thế bị vạ lây, vài tháng sau cũng mất vì quá sợ hãi.
Lục A Ca cũng vì nhận thiệp thỉnh an của Tuần phủ Sơn Tây mà sợ hãi ngay lập tức hồi báo với Càn Long, điều này cho thấy làm con trai của Càn Long có áp lực tâm lý lớn đến mức nào. Chỉ cần hơi cuốn vào chính trị một chút thôi thì sẽ có thể bị trừng trị.
Cho tới năm Càn Long thứ 31, ngoài Tứ A Ca và Lục A Ca đã được đem quá kế cho các Thân vương khác, đạt được tước vị thì những hoàng tử khác đều không có tước vị. Cho dù là tuổi tác có lớn đến mấy đều chỉ có thể ngoan ngoãn học hành trong phòng học, không được giao thiệp với thế giới bên ngoài, chẳng khác nào giam lỏng.
Sự thật ít biết về hài cốt và nơi an táng của Vua Càn Long
Là một vị vua lừng lẫy trong lịch sử, thế nhưng phần mộ của vua Càn Long lại không được yên ổn. Từng có giai thoại về một vụ trộm mộ khét tiếng được cho là đã phá huỷ nơi an nghỉ của vị vua nổi tiếng này.
Năm 1928, những cư dân sống ở gần Lăng mộ phía Đông của nhà Thanh đột nhiên nhận được một thông báo lạ nói rằng một cuộc tập trận quân sự ở đây, và do đó yêu cầu những người có liên quan phải sơ tán hoặc không được ra ngoài.
Địa điểm nằm ở phía Đông lăng mộ của triều đại nhà Thanh, những người bảo vệ lăng mộ cũng bị binh lính xua đuổi. Chính lãnh chúa Tôn Điện Anh là người lãnh đạo đơn vị này. Thực chất cuộc tập trận chỉ là "tấm màn chắn" cho âm mưu cướp kho báu ở Đông Thanh Mộ. Sự việc sau khi được phanh phui đã gây chấn động dư luận vào những năm 1920.
Tháng 7 năm đó, sau khi sơ tán những người không liên quan xung quanh, Tôn Điện Anh bắt đầu kế hoạch cướp lăng mộ của mình. do thời gian không cho phép nên cuối cùng hắn đã chọn hai địa điểm làm hướng "tấn công chính", một là nơi an táng của Từ Hi Thái hậu nhà Thanh. Mục tiêu số hai là lăng mộ của Vua Càn Long. Do không thể tìm thấy lối vào cung điện dưới lòng đất Tôn Điện Anh trực tiếp cho nổ tung ngôi mộ.
Cung điện dưới lòng đất của Càn Long đầy nước đọng, gia tộc triều Thanh phải mất 5 ngày dùng máy bơm để bơm nước đọng ở bên trong. Bên trong quân lính đã thử tiến vào nhưng đều thất bại. Theo các thông tin được ghi lại, sau nhiều ngày tìm kiếm, xương cốt của Càn Long bị ngâm trong nước đã được tìm thấy: "May mắn thay, hộp sọ của vua Càn Long và các phi tần của ông đã được tìm thấy".
Ngoài ra tài liệu còn ghi lại "lúc bọn cướp tranh nhau đồ mai táng, thổ phỉ nhiều lần chen chân giẫm nát khiến hài cốt bị hư hỏng". Theo ghi chép lịch sử, tại đây, ngoài Càn Long, nơi này còn chôn cất hai hoàng hậu và ba phi tần, nhưng mọi người đều không biết xương cốt của ai.
Ngoài ra, 4 chiếc đầu lâu cũng được tìm thấy trong lăng mộ. Về cơ bản, giới chuyên môn nhận định chiếc lớn nhất phải thuộc về Càn Long, vì chiếc quan tài thuộc về ông ở gần đó. Tuy nhiên, khi phát hiện ra, phần hộp sọ đã bị che khuất bởi đất đá và bị nghiền nát.
Khi Phổ Nghi biết được sự việc đã vô cùng tức giận và thề sẽ "báo thù". Tuy nhiên, điều duy nhất ông có thể làm là kiện Tưởng Giới Thạch cùng các thành viên trong gia tộc. Tôn Điện Anh khi đó nhờ các mối quan hệ đem châu báu đi hối lộ khắp nơi. Vụ án trộm kho báu này kết thúc chóng vánh và dần lắng xuống khi đám thuộc hạ của hắn bị bắt và tống vào ngục.
Tổng hợp
QT (SHTT)