Theo Danh sách Người giàu của Sunday Times (Anh), Vua Charles được cho là tích lũy được khối tài sản ròng cá nhân khoảng 600 triệu bảng Anh (745 triệu USD). Với con số này, ông bỏ xa mẹ ruột về độ giàu có. Năm 2022, tờ Sunday Times ước tính giá trị tài sản ròng cố Nữ hoàng Elizabeth II là 370 triệu bảng Anh – khoảng 460 triệu USD.
Hiện, đại diện của Hoàng gia Anh chưa bình luận gì về thống kê từ Sunday Times. Tuy nhiên, có nhiều căn cứ để xác định mức độ giàu có của vị quân vương nước Anh.
Theo Sunday Times, Vua Charles sở hữu hai điền trang tư nhân của hoàng gia, được gọi là các công quốc. Đó là Công quốc Cornwall và Công quốc Lancaster.
Nguồn tin cho biết Công quốc Cornwall thuộc quyền quản lý của người thừa kế ngai vàng, còn Công quốc Lancaster nằm trong sự kiểm soát của quốc vương trị vì.
Khi được phong làm thái tử vào năm 1969, Vua Charles trở thành chủ nhân của Công quốc Cornwall. Hiện tại, trách nhiệm này thuộc về Hoàng tử William. Tuy nhiên, trong hơn 50 năm cai quản, Vua Charles thu về khoản lợi nhuận đáng kể từ bất động sản này.
Theo phân tích của Sunday Times, khi Vua Charles phụ trách Công quốc Cornwall, ông kiếm cho họ khoản lợi nhuận đáng kể. Ông giúp tăng thu nhập hàng năm của công quốc thêm 42.6%, lên khoảng 25,4 triệu bảng Anh (31,5 triệu USD) từ năm 2011 đến năm 2022. Trong cùng khung thời gian đó, tài sản của công quốc tăng lên 1,04 tỷ bảng Anh (1,2 tỷ USD), gần gấp đôi. Phần lớn đến từ các khoản thu cho thuê bất động sản thương mại ở các khu vực khác của nước Anh.
Nhờ đó, vị vua sinh năm 1948 nhận được 212,7 triệu bảng Anh từ công quốc trong giai đoạn 2012–2022. Ông tình nguyện nộp thuế thu nhập cho số tiền này mặc dù không bắt buộc.
Một cựu cố vấn tiết lộ Vua Charles trở nên thận trọng trong việc lấy tiền từ công quốc sau cuộc ly hôn tốn kém với cố Công nương Diana.
Ngoài ra, Điền trang Sandringham và Lâu đài Balmoral được cho là tài sản quý giá nhất của Vua Charles. Sunday Times ước tính hai bất động sản trên trị giá lần lượt là 245 triệu bảng Anh (304 triệu USD) và 210 triệu bảng Anh (260 triệu USD).
Hãng tin cũng lưu ý Sandringham có nguồn thu từ du lịch vì họ cung cấp các chuyến tham quan safari và có công ty nước ép táo, được đặt tên là Sandringham Apple Juice.
Điền trang Sandringham và Lâu đài Balmoral đều thuộc sở hữu của cố Nữ hoàng. Nhưng khi bà qua đời, cả hai thuộc về Vua Charles. Do điều khoản miễn trừ được cựu Thủ tướng Anh John Major đưa ra vào năm 1993, nhà vua không phải trả bất kỳ khoản thuế thừa kế nào.
Bên cạnh đó, Vua Charles cũng kiếm được tiền từ thương hiệu thực phẩm và đồ uống hữu cơ lớn nhất Vương quốc Anh, Duchy Originals.
Liên doanh này ra mắt công chúng vào năm 1990, được điều hành tách biệt với Công quốc Cornwall. Theo Tasting Table, tất cả lợi nhuận kiếm được từ quan hệ đối tác của Vua Charles với Waitrose đều được quyên góp cho tổ chức từ thiện.
Tuy nhiên, tài sản lớn nhất mà Vua Charles được thừa kế từ mẹ ruột lại không mang lại bất kỳ lợi nhuận nào cho cá nhân ông. Đó là Tập đoàn The Crown Estate. Đây là công ty chịu trách nhiệm về 15,6 tỷ bảng Anh (19,3 tỷ USD) tài sản của hoàng gia. Nó chỉ thuộc về Vua Charles bởi ông là người nắm giữ ngai vàng.
Theo Tú Oanh (Tiền Phong)