Ngày 24/2/1989, phi hành đoàn của chiếc Boeing 747 thuộc chuyến bay 811 của hãng hàng không United Airlines dự kiến sẽ có chuyến bay từ hòn đảo Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ đến Auckland, New Zealand và Sydney, Australia.
Bên cạnh 337 hành khách, chuyến bay 811 còn có phi hành đoàn bao gồm 18 người, trong đó có 15 tiếp viên và 3 phi công. Ngay khi tất cả hành khách đã lên máy bay và sẵn sàng cho hành trình di chuyển trên không kéo dài 8 giờ, chuyến bay 811 đã lên đường và cất cánh vào lúc 1h52 sáng (giờ địa phương).
Được biết, chỉ huy chuyến bay là Đại úy David Croni (59 tuổi), một phi công kỳ cựu đã có hơn 28.000 giờ bay, một con số đáng nể mà nhiều phi công sẽ không bao giờ đạt được. Tuy nhiên, ông không thể lường trước được, trước mắt mình là một sự cố chưa từng có sẽ khiến chuyến bay trở thành thảm họa.
Thảm họa ập đến
17 phút sau kể từ khi cất cánh, máy bay lúc này đã đạt đến độ cao 7.000 mét. Vào thời điểm này, các tiếp viên chuẩn bị bắt đầu phục vụ đồ uống thì hành khách ở phía bên phải của khu vực dành cho hạng thương gia bất ngờ nghe thấy một âm thanh lạ phát ra khiến máy bay rung lắc.
Chỉ khoảng một giây rưỡi sau, cửa hàng hóa phía trước máy bay đã bất ngờ nổ tung. Nó bung ra với lực mạnh đến nỗi xé toạc một lỗ trên thân máy bay. Chênh lệch áp suất và lực khí động học khiến sàn cabin máy bay bị lõm vào. Ngay lập tức, 10 ghế ở khoang hành khách bị bật ra khỏi cabin hút theo 8 hành khách ngồi ở những ghế này cùng 1 tiếp viên hàng không ra khỏi máy bay.
Không chỉ vậy, vụ nổ còn làm hỏng các bộ phận của hệ thống cung cấp ôxy khẩn cấp trên tàu. Các mảnh văng ra khỏi máy bay trong quá trình giải nén chất nổ đồng thời cũng làm động cơ số 3 và 4 của máy bay dừng hoạt động, lớp vỏ máy bay bị bong tróc nghiêm trọng ở một số khu vực ở boong trên, để lộ ra phần khung và dây.
Vào lúc 02h20, tình trạng khẩn cấp được ban bố và phi hành đoàn bắt đầu thực hiện hạ cánh khẩn cấp trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Ngay khi tìm được đường băng gần nhất, máy bay này vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi chỉ có thể triển khai một phần cánh tả do thiệt hại gây ra sau quá trình giải nén. Dù vậy, đến phút cuối, nó vẫn hạ cánh thành công, tất cả hành khách còn lại và tiếp viên rời khỏi chiếc Boeing chỉ trong vòng chưa đầy 45 giây.
Thiệt hại nặng nề
Ngay sau khi đưa các hành khách ra khỏi máy bay an toàn, các phi công đã lập tức đi vòng sang phía bên phải của máy bay để quan sát thiệt hại và phải nghẹt thở trước khung cảnh trước mặt.
Theo đó, thân của chiếc máy bay đã bị xé toạc khoảng 32 mét vuông. Các ghế G và H ở các hàng từ 8- 12 đã biến mất cùng sàn máy bay và toàn bộ đồ đạc bên trong khoang hàng phía trước. Do tác động của các mảnh vỡ, động cơ số 3 và số 4 bị hư hỏng nặng, các cánh quạt của chúng bị nghiền thành mảnh vụn. Phía sau máy bay, các vết lõm và vết trầy xước cũng được ghi nhận trên các thanh ổn định ngang và dọc.
Được biết, tất cả các tiếp viên hàng không đều bị thương trong quá trình xảy ra tai nạn này, từ trầy xước đến trật khớp vai. Bất chấp các cuộc tìm kiếm rộng rãi trên không và trên biển, không có hài cốt nào trong số các nạn nhân mất tích được phát hiện.
Báo cáo cho biết, nhiều mảnh thi thể nhỏ và vụn quần áo được tìm thấy bên trong động cơ số 3 của chiếc máy bay cho thấy ít nhất 1 nạn nhân văng ra khỏi máy bay đã bị động cơ "nuốt chửng". Tuy nhiên, các chuyên gia không thể xác định được là liệu có hơn 1 nạn nhân thiệt mạng bởi lý do tương tự hay không.
Theo Thanh Tâm (Phụ Nữ Việt Nam)