Các quan chức Mỹ cho biết quy mô của vụ rò rỉ mà các nhà phân tích cho rằng có thể có hơn 100 tài liệu cùng với độ nhạy cảm của chính các tài liệu đó, có thể gây thiệt hại nặng nề. Một quan chức tình báo cấp cao gọi vụ rò rỉ là "cơn ác mộng đối với các quốc gia Five Eyes", ám chỉ nhóm Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada thường chia sẻ thông tin tình báo với nhau.
Các tài liệu mới nhất được tìm thấy trên mạng Twitter và các trang khác hôm 7-4, một ngày sau khi các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết đang điều tra vụ rò rỉ tài liệu mật về các kế hoạch chiến đấu của Ukraine, bao gồm đánh giá đáng báo động về khả năng phòng không yếu của Ukraine. Một trang tài liệu đề ngày 23-2 được dán nhãn "Tài liệu mật không được chia sẻ với nước ngoài".
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về vụ rò rỉ và đang liên lạc với Bộ Quốc phòng nhưng từ chối bình luận thêm.
Ông Mick Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, cho biết vụ rò rỉ các tài liệu mật cho thấy "hành động vi phạm an ninh nghiêm trọng" có thể cản trở kế hoạch quân sự của Ukraine. Ông nói: "Vì nhiều thông tin trong số này là hình ảnh nên có vẻ như đó là một vụ rò rỉ có chủ ý được thực hiện bởi một ai đó muốn gây tổn hại cho các nỗ lực của Ukraine, Mỹ và NATO".
Một nhà phân tích đã mô tả những gì được tiết lộ cho đến nay là "phần nổi của tảng băng chìm". Ngay cả khi các quan chức Lầu Năm Góc và các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đang điều tra nguồn gốc của các tài liệu xuất hiện trên Twitter và Telegram thì một tài liệu khác lại xuất hiện trên diễn đàn 4chan. Tài liệu rò rỉ trên 4chan là một bản đồ mô tả tình trạng cuộc chiến ở TP Bakhmut thuộc miền đông Ukraine, nơi cuộc chiến khốc liệt kéo dài nhiều tháng.
Các nhà phân tích an ninh đã xem xét các tài liệu lan truyền trên các trang mạng xã hội cho biết số tài liệu bị rò rỉ cũng bao gồm các bản tóm tắt nhạy cảm về Trung Quốc, chiến trường quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố.
Theo tờ The New York Times, một quan chức điều tra nói rằng việc xác định cách các tài liệu bị rò rỉ sẽ bắt đầu bằng việc xác định những quan chức nào có quyền truy cập chúng.
Ông Kyle Walter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Logically, một công ty của Anh chuyên theo dõi thông tin sai lệch, cho rằng: "Có rất nhiều ví dụ về việc các tài liệu bị rò rỉ được sử dụng trong các chiến dịch tuyên truyền và đặc biệt là về mặt thông tin sai lệch. Nhưng điều gì đang xảy ra với những tài liệu này của Mỹ, hiện vẫn chưa rõ ràng".
Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)