Mỹ ngày 23/2 công bố các biện pháp trừng phạt được coi là lớn chưa từng thấy nhằm vào Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Mục tiêu của lần cấm vận này là 56 công ty vận tải đường biển, tàu chở hàng và cơ sở kinh doanh có liên hệ với Bình Nhưỡng.
Các biện pháp trừng phạt mới đáng chú ý vì chúng được thiết kế để ngăn Triều Tiên giao dịch thương mại bất hợp pháp trên biển - một trong những nguồn thu ngoại tệ ổn định của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, nó còn thể hiện chiến lược mới của Nhà Trắng nhằm cố gắng giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua ngoại giao và các biện pháp kinh tế được thiết kế để siết chặt nguồn thu của Bình Nhưỡng, theo Vox.
Các dấu hiệu đầu tiên của cách tiếp cận mới được thể hiện cách đây hai tuần, khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lên kế hoạch tổ chức cuộc họp bí mật với các quan chức cấp cao của Triều Tiên. Bình Nhưỡng hủy gặp vào phút chót nhưng ông Pence làm rõ rằng chính quyền Trump vẫn để mở việc đàm phán.
Harry J. Kazianis, giám đốc nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt này đến vào thời điểm tồi tệ nhất với Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ hết dự trữ ngoại hối vào tháng 10.
Kazianis nhận định lệnh trừng phạt lần này sẽ khiến Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán không chỉ với Hàn Quốc mà với cả Mỹ. Hàn Quốc hôm nay thông báo rằng Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Mỹ, sau khi Tổng thống Hàn gặp tướng Triều Tiên Kim Yong-chol.
Theo Kazianis, Triều Tiên có thể cố tiếp cận Ivanka Trump, người đang ở Hàn Quốc để dự lễ bế mạc Olympic Mùa đông. Ivanka không chỉ là con gái của Tổng thống Mỹ mà còn là một cố vấn đáng tin cậy của ông. Mỹ - Triều có thể từ từ tiến tới một khuôn khổ để phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên nhưng những cuộc đàm phán như vậy sẽ rất khó khăn và có thể mất nhiều năm.
Nhiều chuyên gia khác thì bày tỏ nghi ngờ về mức độ mạnh mẽ của lệnh trừng lần này. Họ cho rằng chúng không thực sự nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, đồng minh lớn nhất hiện nay của Triều Tiên.
Bruce Klingner, chuyên gia về Triều Tiên tại Quỹ Heritage, nhận xét: "Việc chính quyền Mỹ trừng phạt các công ty vận chuyển là một phản ứng thích hợp đối với các bằng chứng gần đây cho thấy Triều Tiên chuyển hàng hoá trên biển để tránh bị phát hiện. Nhưng nó chưa phải là động thái xử lý vấn đề gốc rễ như nhắm mục tiêu vào những bên ủng hộ tài chính. Trump phải làm căng với Bắc Kinh bằng cách nhắm vào các ngân hàng Trung Quốc được cho là hỗ trợ Triều Tiên".
Kazianis cho rằng Triều Tiên sẽ yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc dừng cuộc tập trận chung sẽ diễn ra vào tháng ba. Sự kiện này đáng lẽ được tổ chức vào cuối tháng hai nhưng đã bị hoãn lại đến sau khi Olympic kết thúc. Theo ông, nếu cuộc tập trận diễn ra, Triều Tiên sẽ tức giận và có thể phản ứng bằng cách thử thêm ít nhất một vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa hay phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ra Thái Bình Dương. Triều Tiên cũng có thể thử bom hạt nhân trong khí quyển để chứng minh cho thế giới thấy rằng nếu tiếp tục chĩa mũi giáo vào họ, họ có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Nếu điều đó xảy ra, chính quyền Trump có thể cảm thấy rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tung "cú đấm chảy máu mũi" vào Triều Tiên, tức là một đòn tấn công phủ đầu nhỏ nhằm không leo thang tình hình thành một cuộc chiến toàn diện nhưng đủ để gây sức ép khiến lãnh đạo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.
"Hãy tận hưởng vài ngày cuối cùng của Olympic. Sau đó, căng thẳng sẽ lại gia tăng ở Đông Bắc Á", Kazianis viết.
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)