Hiện nay Nga đang tiến hành nâng cấp số lượng lớn các xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B lên chuẩn T-72B3 và T-72B3M như giải pháp tình thế trong lúc chờ đợi T-14 Armata được sản xuất hàng loạt.
Phương án sử dụng T-72B3 để lấp khoảng trống được cho là giải quyết tốt vấn đề tăng cường sức mạnh tấn công, tuy nhiên về mặt khả năng phòng vệ của nó lại bị đặt một dấu hỏi rất lớn.
Khác với xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM nâng cấp được ốp giáp phản ứng nổ bên ngoài lớp giáp thô phía trong rất kín khít, không tạo ra một khe hở nào thì trên T-72B3 ngược lại hoàn toàn.
Bên ngoài tháp pháo của xe tăng T-72B3 được bao bọc bởi các tấm 4C22 của giáp phản ứng nổ Kontakt 5, giúp tăng khả năng bảo vệ tương đương với 540 đến 650 mm giáp đồng nhất (RHA).
Tuy nhiên điều đó là không đủ để bảo vệ một cách tối thiểu trước những loại đạn xuyên giáp M829A1 và M829A2 của Mỹ với khả năng thâm nhập 700 và 740 mm RHA tương ứng ở khoảng cách 2.000 m và chạm góc chạm 90 độ.
Nhưng điều nguy hiểm chính là khe lớn giữa những module 4C22, nếu lõi đạn xuyên giáp bắn trúng vào vị trí này thì giáp phản ứng nổ Kontakt 5 sẽ không thể làm tròn nhiệm vụ giảm 20% khả năng xuyên phá của đầu đạn.
Thậm chí so sánh giữa giáp bảo vệ của T-72B3 với T-54/55 nâng cấp của Việt Nam thì có thể thấy rằng xe tăng chiến đấu chủ lực của chúng ta còn tạo ra được sự yên tâm cho kíp lái lớn hơn nhiều.
Phần giáp bổ sung cho tháp pháo của T-54/55 hiện đại hóa là sự kết hợp giữa giáp hộp composite bên ngoài với các khối giáp phản ứng nổ chế tạo theo công nghệ giáp Blazer của Israel phía bên trong, tạo ra khả năng bảo vệ rất tốt.
Bên cạnh đó, giữa các module giáp phụ tích hợp thêm cho tháp pháo của T-54/55 nâng cấp hoàn toàn kín khít, bảo đảm khả năng chống đạn xuyên giáp thậm chí tốt hơn cả T-72B3 vì không lo thanh xuyên bắn trúng khoảng hở.
Để xe tăng T-72B3 thực sự trở nên hiệu quả trên chiến trường, thiết nghĩ điểm yếu trên nên được Nga khắc phục bởi vì thao tác là rất đơn giản và chẳng hề tốn kém.
Theo Chí Linh (Đất Việt)