Sáng 8/9, Quân khu 5 đã tổ chức cho Sư đoàn 2 cùng xe tăng, pháo binh, PK-KQ hoàn thành nhiệm vụ mang mật danh DT-17 và có bắn đạn thật.
Vũ khí được huy động trong cuộc diễn tập lần này có đầy đủ những vũ khí hạng nặng như trực thăng, xe tăng, súng máy phòng không 12,7mm, súng chống tăng B41 và đặc biệt có cả súng chống tăng SPG-9T2 do Việt Nam sản xuất.
|
Súng chóng tăng SPG-9T2. |
Súng chống tăng SPG-9T2 là sản phẩm của Nhà máy Z125 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng được sản xuất theo nguyên mẫu SPG-9 với một số cải tiến phù hợp điều kiện tác chiến tại khu vực miền núi, điều kiện môi trường nóng ẩm, tác chiến bộ binh mang vác,...
Việc chế tạo thành công súng chống tăng SPG-9T2 một lần nữa cho thấy trình độ nghiên cứu và chế tạo vũ khí của quân đội ta, giúp nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất, chế tạo vũ khí đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Theo những thông tin được công khai, nguyên bản súng chống tăng không giật SPG-9 cỡ 73 mm được Liên Xô chế tạo từ năm 1962 nhằm thay thế súng không giật B-10 cỡ 82 mm. Tuy được chế tạo từ cách đây 50 năm nhưng SPG-9 vẫn là loại vũ khí uy lực và có tính sát thương cao với các mục tiêu xe tăng, xe bọc thép, pháo tự hành, công sự,...
So với các loại súng phóng lựu vác vai chống tăng như B-40, B-41 thì SPG-9 có ưu điểm là tầm bắn vượt trội (tầm bắn hiệu quả 800 m, tầm bắn tối đa 1.300 m).
Thông số kỹ thuật cơ bản của súng chống tăng SPG-9: Khối lượng: 47,6 kg và 59 kg khi có giá 3 chân; Chiều dài: 2,1 m; Cỡ nòng: 73 mm (nòng trơn); Tốc độ bắn tối đa: 6 phát/phút; Sơ tốc đầu nòng: 300 - 700 m/s; Khẩu đội: 2 người; Kính ngắm: kính ngắm quang học PGO-9 với khả năng phóng đại 4 lần và kính ngắm PGN-9IR phục vụ cho bắn đêm.
Súng chống tăng SPG-9 có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau như: đạn chống tăng tiêu chuẩn sử dụng liều nổ lõm PG-9, PG-9N; đạn nổ phá mảnh chống bộ binh OG-9V hoặc đạn chống tăng tadem sử dụng đầu nổ lõm 2 lần PG-9NT có thể tiêu diệt các loại xe tăng hiện đại được trang bị giáp phản ứng nổ. SPG-9 có thể lắp đặt lên các loại xe quân sự như xe bọc thép, xe bán tải,... nhằm tăng cường tính cơ động và hiệu quả khi chiến đấu trên chiến trường.
Theo Đan Nguyên (Đất Việt)