Công nghệ quân sự, vũ khí của Trung Quốc được chú trọng đầu tư và đang có những bước phát triển tiệm cận với sức mạnh quân sự của Mỹ.
Sự tự tin của Trung Quốc
Hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển. Ảnh: Sina |
Theo chuyên gia này, dù quân đội Trung Quốc vẫn còn những điểm yếu về cấu trúc, hậu cần và văn hóa tổ chức, ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại vũ khí và khí tài, việc đánh bại được Trung Quốc trong các cuộc xung đột khu vực sẽ là điều rất khó khăn và tốn kém đối với Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc có nhiều lợi thế về địa hình.
Mới đây, khi Trung Quốc mời 27 quan chức hải quân Mỹ lên tham quan tàu sân bay Liêu Ninh, tờ Global Times dẫn lời chuyên gia Zhang Junshe tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, cho rằng động thái thể hiện sự tự tin của hải quân nước này trước Mỹ.
Ông Cliff nhận định thập niên 2020 nhiều khả năng sẽ là thời kỳ chuyển giao quyền lực ở Đông Á. Quyền lực ở khu vực này sẽ chuyển từ nước Mỹ có khả năng bảo vệ đồng minh trước bất cứ cuộc tấn công nào sang một Trung Quốc có thể dùng vũ lực thách thức quyền kiểm soát trên biển và trên không mà không nước nào có thể chống lại. Ông cho rằng việc đối đầu với Trung Quốc trên phương diện này là quá nguy hiểm và tốn kém cho bất kỳ nước nào, kể cả Mỹ.
Một báo cáo về tương quan sức mạnh quân sự Mỹ - Trung gần đây của RAND cũng cho rằng Trung Quốc tỏ rõ tự tin về tiềm lực quân sự của mình. Trung Quốc "có khả năng thu hẹp khoảng cách trong mọi khía cạnh và thậm chí còn vượt lên ở một số lĩnh vực", khiến "xu thế sức mạnh tổng thể đang không có lợi cho Mỹ".
Tốc độ thay đổi, hiện đại hóa trong quân đội Trung Quốc diễn ra nhanh hơn của Mỹ. "Trung Quốc đang bật nhảy, còn Mỹ thì đang lê bước", báo cáo nhận định. Tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, những khoản đầu tư tiền tỷ, hai con số cho quốc phòng, và những loại vũ khí mới mà nước này đang chế tạo, mua sắm đều thể hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là áp đảo sức mạnh quân sự Mỹ và lấn át trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước, nhưng bản thân nước Mỹ cũng vậy. Nợ công ngày càng lớn và cơ chế đảng phái chính trị ở Washington khiến chi tiêu quốc phòng của nước này bị cắt giảm nghiêm trọng. Nhưng quân đội Mỹ lại phải đối phó với mối đe dọa an ninh ngày càng lớn ở Trung Đông và cả châu Âu, khiến họ có nguy cơ sụt giảm khả năng và hiệu quả sẵn sàng chiến đấu vào cuối thập niên này.
Theo các chuyên gia, để giành chiến thắng trước Trung Quốc, quân đội Mỹ phải có khả năng đánh bại chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2AD) của Trung Quốc. Một số người cho rằng cách hiệu quả nhất để phá chiến lược A2AD là sử dụng chiến tranh thông tin, tác chiến điện tử để vô hiệu hóa những hệ thống vũ khí phòng thủ của Trung Quốc, đặc biệt là các hệ thống vệ tinh, trinh sát, dẫn đường và liên lạc.
Những vũ khí lợi hại
Báo cáo của RAND cho thấy các biện pháp tác chiến điện tử, tác chiến không gian, chẳng hạn như chương trình tấn công vệ tinh trong vũ trụ, của Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn chương trình phòng thủ không gian của Mỹ.
Vũ khí không gian của Trung Quốc có thể tiêu diệt vệ tinh của Mỹ trong quỹ đạo. Ảnh minh họa: Military |
Ngoài ra, Trung Quốc có thể sử dụng các cuộc tấn công dựa vào mạng máy tính, điện tử và động học để chống lại các vệ tinh hoặc các kết cấu hỗ trợ dưới mặt đất, trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ.
Chuyên gia Malcolm Davis của trang Strategis nhận định Trung Quốc đang có những bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng. Lầu Năm Góc mới đây công bố chiến lược "Bù đắp lần thứ ba" nhằm đầu tư nhiều hơn cho công nghệ quân sự, trong khi Trung Quốc đã phóng thử vũ khí siêu thanh, triển khai các loại radar chống tàng hình, và chế tạo phương tiện bay không người lái lớn nhất thế giới.
Trong tác chiến chống ngầm, hải quân Trung Quốc cũng vừa tiếp nhận mạng lưới trinh sát thủy âm chống ngầm ven biển và tàu hộ vệ tên lửa chống ngầm lớp Thanh Đảo, cùng một loại máy bay tuần tra biển mới.
Điểm yếu lớn của hải quân Trung Quốc hiện nay là các tàu ngầm của họ quá ồn và dễ bị đối phương phát hiện. Gần đây, Trung Quốc đã cải thiện và triển khai tàu ngầm lớp Nguyên và Kilo 636 hoạt động êm và khó phát hiện hơn rất nhiều.
"Các tàu ngầm mới của Trung Quốc ngày một êm hơn, có vũ khí mạnh hơn. Có nhiều lý do để tin rằng khả năng phát hiện và tấn công tàu mặt nước đã được cải thiện rất nhiều", RAND đánh giá.
Chuyên gia Andrew Erickson cho biết những tàu ngầm này có khả năng phóng các tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh (ASCM), chẳng hạn như tên lửa mới YJ-18 có tầm bắn 290 hải lý, giúp Trung Quốc đọ được với các vũ khí chống tàu nổi tầm xa của Mỹ.
Về năng lực phòng không, quân đội Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sắm tên lửa S-400 của Nga, có thể tiêu diệt được máy bay tàng hình. Trên không, chiến đấu cơ tầm xa J-20 của Trung Quốc sẽ đánh vào điểm yếu của Mỹ là sự phụ thuộc rất lớn vào máy bay cảnh báo sớm và tiếp liệu trên không.