Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington cho biết, trong năm qua họ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng tiên tiến thực hiện một nghiên cứu về lực lượng dân quân biển của Trung Quốc bằng dữ liệu viễn thám và thông tin từ các nguồn mở.
Kết quả có được là báo cáo mang tên “Vén bức màn về lực lượng dân quân biển của Trung Quốc”. AMTI nói rằng đây là nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến nay về cấu trúc, sự hỗ trợ và mạng lưới sở hữu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như phương pháp xác định các tàu dân quân biển của Trung Quốc và danh sách hơn 120 tàu dân quân được nhận dạng.
Kể từ khi hoàn tất xây dựng tiền đồn trên các đảo nhân tạo năm 2016, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang củng cố quyền kiểm soát các hoạt động thời bình trên hầu khắp Biển Đông. Nhân tố chính trong sự chuyển dịch này là mở rộng lực lượng dân quân biển. Đó là đội tàu bề ngoài là tham gia đánh bắt thương mại nhưng thực tế là hoạt động bên cạnh lực lượng thực thi pháp luật và hải quân Trung Quốc để thực hiện những mục tiêu của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
Các chiến thuật mà lực lượng này sử dụng gây ra một thách thức đáng kể đối với các quốc gia muốn duy trì trật tự trên biển theo luật pháp quốc tế. Nghiên cứu dựa trên nguồn mở, dữ liệu viễn thám và các hoạt động tuần tra biển của các bên khác trên vùng biển tranh chấp phơi bày bản chất của dân quân biển Trung Quốc, từ đó làm suy yếu chiến thuật sử dụng đội tàu này như một lực lượng vùng xám.
Báo cáo của AMTI liệt kê 122 tàu dân quân biển của Trung Quốc và 52 tàu khác có thể cũng thuộc lực lượng này.
Việc lực lượng dân quân biển Trung Quốc tham gia vào các hoạt động tăng mạnh từ những năm 2000, với những cuộc ngăn cản hoạt động của các tàu hải quân Mỹ. Xu hướng này tiếp tục từ năm 2010, khi lực lượng dân quân biển Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt trong vụ chiếm quyền kiểm soát bãi Scarborough năm 2012.
Cảng nhà của đội tàu dân quân biển Trung Quốc là một chuỗi gồm 10 cảng ở 2 tỉnh Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc.
Báo cáo của AMTI nói rằng hoạt động của đội tàu dân quân biển Trung Quốc vi phạm một số nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Những cuộc cản trở hoạt động hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của họ là vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Cách di chuyển không an toàn nhằm cản trở hoạt động của tàu nước ngoài gây ra rủi ro va chạm là vi phạm Quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển (COLREGS).
Báo cáo cho biết Trung Quốc có chính sách hỗ trợ cho các tàu này hoạt động ở vùng biển tranh chấp.
Đến thời điểm hiện tại, giới chức Trung Quốc chưa đưa ra bình luận đối với thông tin trên.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)