Sự thật kinh hoàng sau những tiết mục voi vẽ tranh nổi tiếng Thái Lan

09/01/2016 09:34:01

Đằng sau những chú voi hoạ sĩ nổi tiếng ở Chiang Mai, Thái Lan là quá trình huấn luyện tàn nhẫn và đầy đau đớn.

Đằng sau những chú voi hoạ sĩ nổi tiếng ở Chiang Mai, Thái Lan là quá trình huấn luyện tàn nhẫn và đầy đau đớn.

Nhắc đến voi, người ta lại tưởng tượng ra cái giống động vật thân hình to lớn thô kệch, hiền khô, đôi khi là sự ngây ngốc của nó. Mà đặc điểm khiến người ta nhớ đến con voi nhất phải là cái vòi dài khéo léo của nó. Làm gì có con vật nào có được cái mũi diệu kỳ như con voi được?
 
Ở Thái Lan, ngoài kịch khỉ, xiếc cá heo còn có một loại hình giải trí động vật rất phổ biến và được nhiều người đón nhận, đó là voi biểu diễn vẽ tranh. Du khách ở khắp nơi đổ về trang trại voi Maesa, Chiang Mai để được cưỡi lên lưng những sinh vật khổng lồ này rồi được xem chúng trổ tài nghệ sĩ vẽ vời. Đối với du khách, trải nghiệm này quá tuyệt vời, bởi chẳng ai nghĩ rằng voi có thể thông minh được đến như vậy, biết vẽ cơ mà.
 

Chiang Mai nổi tiếng với Trang trại voi Maese, nơi có hàng chục "hoạ sĩ voi" biết vẽ.

 
Thực tế, trang trại nuôi voi Maesa đã có lịch sử hoạt động được hàng chục năm, lần đầu mở cửa vào năm 1976 và được biết đến rộng rãi như một "học viện" đào tạo hoạ sĩ voi. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có tới 78 chú voi "nhập học" ở Maesa, đều do Choochart Kalmapijit, chủ nhân của Maesa mua về từ mọi miền đất nước.

Vậy làm thế nào để người ta dạy voi biết vẽ?

Theo thông tin đăng tải trên website của Trang trại voi Maesa, họ bắt đầu huấn luyện voi vẽ tranh từ năm 2000. Khi voi con bắt đầu đạt đủ 2 năm tuổi, chúng sẽ bị tách khỏi mẹ, tách khỏi đàn để "đi học vẽ tranh" với những vị quản tượng. Chúng sẽ được quản tượng dạy để tuân theo các mệnh lệnh cơ bản, cách biểu diễn kỹ năng vẽ tranh, thậm chí ký tên dưới mỗi bức vẽ.

Công cuộc huấn luyện voi hoạ sĩ không hề đơn giản. Đầu tiên, phải mất tới 1 tháng trời để mỗi con voi có thể biết cách cầm cọ vẽ bằng vòi của mình. Mới đầu con nào cũng phản ứng khá quyết liệt, thế nhưng dần dà chúng cũng phải tuân lệnh. Một khi kỹ năng cầm cọ vẽ đã thành thục, voi sẽ được chuyển sang học cách nhúng cọ vẽ vào màu, rồi học cách chấm những chấm đầu tiên. Từ những chấm đơn giản ấy, chúng tự nói lại và cho ra nét vẽ rành mạch.

Nghe thì có vẻ quy trình này chỉ vậy mà thôi, có lẽ nhờ sự thông minh của lũ voi và sự kiên nhẫn của quản tượng chúng ta mới có thế hệ hoạ sĩ voi như bây giờ. Nhưng không hề, sự thực phía sau đau đớn và ghê rợn hơn nhiều. Để có thể vẽ được những bức tranh mua vui cho khách tham quan, lũ voi này đã phải chịu đựng vô số đòn roi hành hạ.

Cái đầu tiên mà chúng ta nên biết về quá trình huấn luyện voi vẽ tranh này, đó là sự tàn khốc của quá trình thuần dưỡng Phajaan. Giống như voi cưỡi, voi vẽ tranh cũng phải chịu đựng quá trình Phajaan, quá trình dùng để phá vỡ tinh thần của loài voi, khiến chúng buộc phải thừa nhận con người là chủ nhân mới của mình. Ngay từ lúc bé, voi con đã bị quản tượng cột chân, bị bỏ đói, đánh đập liên tục đến khi chúng cảm thấy kinh sợ đòn roi và phải nghe lời người điều khiển.

Rất nhiều con voi con không may mắn đã chết trong quá trình Phajaan. Số may mắn còn lại sẽ được "làm quen" với sự đau đớn thông qua quá trình học vẽ tranh. Người ta sẽ nhét cọ vẽ vào lỗ mũi của voi rất sâu nhằm đảm bảo voi không làm rơi cọ. Vòi voi thì vô cùng nhạy cảm, chứa bao nhiêu là dây thần kinh. Thử hỏi nhét cả cây cọ như vậy vào vòi của chúng thì chúng có thể chịu đựng thoải mái nổi hay không?
 

 Quá trình Phajaan vô nhân đạo với mục đích phá vỡ tinh thần của voi.

 
Đến khi vẽ tranh, voi cũng không thể yên tâm cho tính mạng mình. Trong lúc voi "sáng tác", quản tượng luôn đứng bên chúng, tay cầm một dụng cụ giống như chiếc móc sắt, liên tục quất vào cơ thể voi khi chúng không làm được như quản tượng mong muốn. Đôi lúc, nhiều quản tượng độc ác còn dùng cái móc sắt ấy đát vào đầu, vào vòi của voi khiến chúng chảy máu đau đớn. "Bài tập" cho mỗi con voi là mỗi ngày vẽ chính xác một hình khối nào đó. Vẽ đúng thì không sao, nhưng chẳng may sai thì ăn đủ với quản tượng.
 
Để điều khiển voi như mong muốn, người ta dùng cách giật tai voi, kéo căng tai nó ra để voi biết đường mà lắc đầu theo hướng ấy. Quản tượng còn dùng móng tay móc vào phần nhạy cảm của voi để trừng phạt chúng mỗi khi "quên bài".
 

Cọ vẽ nhét vào lỗ mũi của voi.

 
Trước quy trình huấn luyện khốc liệt và vô nhân đạo đến như vậy, nhiều tổ chức bảo tồn động vật trên thế giới đã lên tiếng phản đối cácb làm của trang trại Maesa. Những nhà hoạt động còn tuyên bố sẽ lan truyền rộng rãi thông tin này và khuyên bảo du khách không đến thăm trang trại voi thêm nữa.
 

Dụng cụ dùng để đánh voi.

 

Quản tượng giật tai voi để nó có thể vẽ theo ý muốn.

 

"Niềm cảm hứng" phía sau một bức tranh do voi vẽ.


Theo Lương Hồng Phúc (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật