Những người được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ này - các vệ sĩ cho VIP - tất nhiên phải đáp ứng được một loạt đòi hỏi khắt khe về ngoại hình, thể lực và kỹ năng nghề nghiệp của công ty chủ quản và khách hàng.
Thù lao đối với các vệ sĩ cho VIP cao hơn hẳn vệ sĩ "thường".
Song, công việc và cuộc sống của họ không phải lúc nào cũng hoành tráng và lấp lánh ánh hào quang như vẻ ngoài chúng ta vẫn thấy. Nhiều bí mật vừa được chuyên gia lão luyện trong nghề tiết lộ trong cuộc trò chuyện mới đây với trang Mental Floss.
To lớn không phải lúc nào cũng tốt
Khi phải kiểm soát một đám đông hoặc cố gắng quây dồn "quân đoàn" các cô cậu tuổi teen đang hò hét, đòi lao về phía thần tượng, việc sở hữu một thân hình đồ sộ quả thực hữu ích. Tuy nhiên, không phải mọi vệ sĩ đều cần phải có thân hình của một đô vật chuyên nghiệp.
"Điều đó phụ thuộc vào khách hàng. Nó giống việc chọn mua một chiếc xe hơi. Đôi khi họ muốn một chiếc xe cỡ lớn và thỉnh thoảng họ lại thích một cái nhỏ gọn. Cũng có khách hàng đặt hàng một gã trông bình thường, ăn vận dễ coi nhưng không đeo tai nghe và cũng không phải quái vật", Anton Kalaydjian, cựu đội trưởng an ninh cho ngôi sao nhạc rap 50 Cent và là người sáng lập Công ty vệ sĩ Guardian ở Florida, Mỹ, nói.
Súng và nắm đấm không hiệu quả
Tùy thuộc vào hoàn cảnh, các vệ sĩ có thể có thể vũ trang hoặc không. Ví dụ như, bảo vệ một ca sĩ nổi tiếng tại một nhạc hội hoàn toàn khác với việc tháp tùng một CEO của một công ty bất động sản dính bê bối.
Theo Kent Moyer, Chủ tịch Công ty an ninh World Protection Group và từng có thời làm vệ sĩ riêng cho ông chủ tạp chí Playboy Hugh Hefner, dựa vào súng ống đồng nghĩa kỹ năng chuyên môn của người vệ sĩ đó kém.
Ông Moyer giải thích: "Chúng tôi được đào tạo phải ngụy trang, di tản và tẩu thoát khỏi nguy hiểm. Mục tiêu là không dùng vũ lực. Nếu một vệ sĩ cần phải dùng súng để đáp trả lại súng, anh ta đã thua. Nếu phải lao vào ẩu đả, anh ta thất bại".
Đôi khi vệ sĩ được thuê để bảo vệ ông chủ trước nhân viên
Tình trạng bạo lực tại nơi làm việc khiến nhiều công ty lo ngại xảy ra hiện tượng trả thù trong các đợt sa thải nhân viên. Alan Schissel, cựu cảnh sát thành phố New York và là người sáng lập dịch vụ vệ sĩ Integrated Security, cho hay một số khách hàng đã nhờ cậy công ty ông vì lí do này.
"Chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu cung cấp bảo vệ có vũ trang, mặc thường phục trong trường hợp doanh nghiệp sắp đuổi việc ai đó. Họ muốn chắc chắn rằng kẻ đó không quay lại trả thù", ông Schissel kể.
Không hào nhoáng như bên ngoài
Vì các vệ sĩ cho VIP thường được nhìn thấy như hình với bóng với những người nổi tiếng, nên ai đó có thể nghĩ họ cũng được hưởng cuộc sống sang chảnh như ông/bà chủ. Thực tế không phải vậy.
"Đây là nhầm lẫn lớn. Đúng là chúng tôi đôi khi di chuyển trên máy bay riêng, nhưng chúng tôi không ở đó để tận hưởng các tiện nghi. Chúng tôi có thể sống trong biệt phủ của họ, nhưng chúng tôi không dùng bể bơi ở đó. Nói đơn giản, bạn sẽ chỉ dùng đồ mình, tận hưởng thứ mình có", ông Kalaydjian cho biết.
Chuyên gia an ninh lão luyện này nhấn mạnh thêm rằng, các vệ sĩ thích hưởng thụ có xu hướng không trụ được lâu.
Công việc tiền trạm đặc biệt quan trọng
Một nhiệm vụ quan trọng đối với các vệ sĩ là phải kiểm tra trước các điểm đến của ông/ bà chủ trước. Họ thậm chí còn biết chính xác đâu là lối vào, lối ra ở những nơi đó để không bị lúng túng khi định hướng hoặc gặp rắc rối về an ninh.
Theo ông Moyer, đây là lí do các CEO và ngôi sao giải trí thực sự thu được nhiều thành quả hơn trong một ngày làm việc: "Nếu tôi đưa bạn tới công ty giải trí Warner Bros, tôi biết phải vào bằng cổng nào. Tôi đã có một số thông tin trước sự kiện và tôi cũng biết vị trí của các phòng vệ sinh".
Đối với những nhân vật quan trọng này, làm được nhiều hơn trong một ngày cũng đồng nghĩa tiền kiếm được nhiều hơn, khiến khoản đầu tư vào vệ sĩ quả "đáng đồng tiền, bát gạo".
Tình trạng ăn theo người nổi tiếng
Khi cân nhắc tuyển nhân viên mới, ông Kalaydjian sẽ thẳng tay loại bỏ bất kỳ người nào muốn ăn theo sự nổi tiếng của khách hàng. "Tôi đã nhìn thấy những vệ sĩ làm những việc họ không nên làm. Họ làm để mong được nhiều người biết đến", ông Kalaydjian kể.
Vệ sĩ riêng đăng các bức ảnh chụp bản thân với khách hàng trên mạng xã hội bị những người trong nghề coi là "sát thủ nghề nghiệp". Các đồng nghiệp sẽ không bao giờ coi trọng những kẻ đó.
Mạng xã hội gây khó cho công việc
Các ngôi sao giải trí duy trì sự nổi tiếng cả bằng tích cực tương tác với người dùng mạng xã hội. Họ thường cho đăng tải lên trang cá nhân thông tin, hình ảnh về các chuyến đi, sự kiện họ đã, đang và sắp tham gia.
Đối với những người hâm mộ, đây có thể là cơ hội tuyệt vời để họ lên lịch trình tiếp cận thần tượng. Song, nó cũng là "thời cơ vàng" đối với những kẻ rắp tâm ám hại các ngôi sao. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ ông/ bà chủ của các vệ sĩ có thể trở nên khó khăn hơn nhiều.
"Thỉnh thoảng họ (các nhân vật nổi tiếng) thậm chí còn không nói với tôi kế hoạch của họ. Và tôi tình cờ nhìn thấy thông tin trên Snapchat rằng họ sẽ có mặt tại một trung tâm thương mại lúc 2 giờ chiều. Một vài lúc khác, tôi còn chẳng biết gì cho tới khi xuất phát", ông Kalaydjian nhớ lại.
Không phải mọi khách VIP đều tự trả tiền thuê vệ sĩ
Lần tới, nếu nhìn thấy một người nổi tiếng đi giữa vòng vây của các nhân viên an ninh, bạn đừng vội kết luận cô ấy hẳn đã phải chi ra cả đống tiền để thuê họ.
"Rất nhiều ngôi sao không thể chi trả cho việc thuê vệ sĩ riêng toàn thời gian. Đôi khi, chính đoàn làm phim hay một chương trình truyền hình đã trả tiền cho việc đó. Khi việc quay phim bộ phim hay chương trình khép lại, họ cũng không còn được hưởng đặc ân đó nữa hoặc chỉ được phục vụ ở mức tối thiểu", ông Moyer tiết lộ.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)