Thời xưa, trinh tiết rất được đề cao và quan trọng đối với phụ nữ Trung Hoa cổ đại trước khi xuất giá. Chính vì tầm quan trọng của trinh tiết, nên người ta tìm ra đủ mọi cách để chứng minh "cái ngàn vàng" đáng quý của người con gái, đồng thời đảm bảo nữ nhân đó chưa từng quan hệ với nam nhân khác.
Trong số đó, một thủ thuật khiến rất nhiều người phụ nữ thời cổ đại đều sợ hãi, ám ảnh - đó chính là thủ cung sa.
Thủ cung sa: Thủ thuật kiểm tra trinh tiết gây ám ảnh phụ nữ thời cổ đại
Cách đánh dấu và kiểm tra trinh tiết này của phụ nữ vẫn thi thoảng được nhắc đến như một thủ thuật huyền bí trong nhiều bộ phim về đề tài thâm cung bí sử hoặc một số tác phẩm văn học của Trung Hoa.
Hiểu một cách nôm na thì thủ cung sa là một vết son đỏ được dùng để chấm lên tay của phụ nữ nhằm mục đích đánh dấu trinh tiết của họ. Tương truyền, vết đỏ này sẽ không bao giờ biến mất nếu như nữ nhân đó còn trong trắng.
Thủ cung sa là một thủ thuật được lưu truyền và có nguồn gốc từ thời nhà Hán, cụ thể bắt đầu từ đời Hán Vũ Đế. Các vị hoàng đế Trung Hoa cổ đại đều có hàng nghìn cung tần mỹ nữ nhưng không phải ai cũng may mắn được lâm hạnh và để ngăn cản việc các phi tần ngoại tình, Hán Vũ Đế đã sử dụng thủ cung sa để đánh dấu trinh tiết, khiến họ không dám mắc sai lầm.
Thủ thuật này được gọi là thủ cung sa vì xuất xứ từ chính thành phần làm ra nó. Cụ thể, theo ghi chép trong "Bác vật chí" thời nhà Tấn, thủ cung vốn là một giống thạch sùng được nuôi nhốt đặc biệt cùng với 7 kg chu sa (một loại khoáng vật của thủy ngân trong tự nhiên, có màu đỏ) trong vòng 90 ngày khiến thân thể của chúng có màu đỏ.
Sau đó, người ta giã nát thủ cung bằng chày, giúp tạo ra một thứ hỗn hợp có màu đỏ. Một số ghi chép cho rằng khi chấm vết son đỏ vào cánh tay trái của nữ nhân (ở vị trí cách vai khoảng một tấc) thì vết đánh dấu này sẽ mãi không phai nếu như còn trong trắng. Ngược lại nếu thất thân (mất trinh tiết) thì thủ cung sa sẽ tự động biến mất.
Dù không có ghi chép cụ thể nói rõ về công hiệu thực sự của thủ cung sa, nhưng từ nhà Hán trở về sau, các triều đại phong kiến ở Trung Hoa đều sử dụng thủ cung sa như một tiêu chí nhằm kiểm tra sự trong trắng của các mỹ nữ được tuyển vào cung để hầu hạ hoàng đế.
Họ chấm thủ cung sa lên người các nữ nhân và nếu ai để mất vết đỏ này trước khi được lâm hạnh thì người đó sẽ phải hứng chịu hậu quả đáng sợ.
Chính vì niềm tin về sức mạnh ghê gớm của thủ cung sa trong cung cấm khiến nó càng được lưu hành rộng rãi hơn khi xuất hiện trong dân gian, khiến hầu hết người dân đều biết đến phương pháp kiểm tra trinh tiết này.
Mặc dù vết chấm đỏ không có mối liên quan đến việc chăn gối hay trinh tiết của nữ giới nhưng nó đã trở thành một công cụ để kiểm nghiệm đức hạnh của một người phụ nữ trong nhiều triều đại phong kiến ở Trung Hoa.
Việc sử dụng thủ cung sa để kiểm tra trinh tiết bắt đầu phát triển và lan rộng khắp cung cấm tới giang hồ từ thời nhà Tống khi những quan niệm về đức hạnh của người phụ nữ được đề cao và có phần khắt khe.
Tin tưởng mù quáng vào thủ cung sa và kết cục bi thảm của người vợ chung thủy
Tuy nhiên, vào thời nhà Tống, do chưa có nhiều kinh nghiệm và vì mới bắt đầu sử dụng nên thủ cung sa đã gây ra không ít tai nạn cũng như chuyện dở khóc dở cười. Điển hình là vụ án oan sai khiến người vợ thủy chung của một viên quan phải bỏ mạng.
Chuyện kể rằng, vào thời nhà Tống, một hào phú tên là Lâm Mật sống ở huyện Vạn, Tứ Xuyên (Trung Quốc) được triệu vào kinh thành để nhận chức quan. Không những có một người vợ từ thuở hàn vi, Lâm Mật còn có tới 5 người thiếp, trong đó người được yêu quý nhất là nữ nhân xinh đẹp tên là Hà Phương Tử.
Nàng vốn là một tiêu thư khuê các, xinh đẹp, có học vấn, được dạy dỗ đàng hoàng từ nhỏ, nhưng chỉ vì biến cố gia đình mà đành phải làm kẻ hầu người hạ cho nhà hào phú.
Một mình lên kinh thành nhậm chức, nên Lâm Mật lo ngại về tiết hạnh của thê thiếp. Ông đã hỏi người bạn tên là Thượng Ất Chân và được chỉ cho một cách để khiến những nữ nhân của mình phải dè chừng, đó là thủ cung sa. Sau khi tự tay chấm thủ cung sa lên cánh tay của những người thiếp yêu thì Lâm Mật mới yên tâm rời nhà lên kinh.
Những người vợ của Lâm Mật đều cố gắng giữ gìn cẩn thận vết chấm đỏ bằng hạt đậu trên cánh tay sau khi chồng rời đi, đến nỗi không dám tắm rửa hay đụng chạm vào. Ngược lại, người thiếp mà Lâm Mật trân quý nhất là Hà Phương Tử thì chỉ coi nó như một vết bẩn trên người nên vẫn tắm rửa như bình thường.
Nửa năm sau đó, khi đã ổn định cuộc sống, Lâm Mật cho người đón vợ con, thê thiếp lên kinh thành. Khi tiến hành kiểm tra vết thủ cung sa trên cơ thể những người thê thiếp, tất cả đều còn nguyên vẹn, duy chỉ có Hà Phương Tử là không còn.
Lâm Mật nổi giận đùng đùng, ông ta ra sức đánh đập, dùng nhiều cách tra khảo nhưng Hà Phương Tử vẫn kiên quyết không chịu nhận tội có quan hệ với ai. Sau cùng, cô vợ trẻ đã để lại một bức thư rồi treo cổ tự vẫn. Tuy nhiên, Lâm Mật chỉ cho rằng do Hà Phương Tử quá xấu hổ nên mới tìm tới cái chết nên y không thèm đoái hoái đến bức di thư mà vội vã đem chôn.
Vì đang sống ở kinh thành nên việc đánh chết người thiếp của Lâm Mật là chuyện không hề nhỏ. Ngay khi biết sự tình, triều đình ra lệnh cho phủ Khai Phong lập tức tiến hành điều tra và nhận thấy rằng Hà Phương Tử đã bị đánh đập dã man trước khi tự sát. Không còn cách nào khác, Lâm Mật bèn kể lại mọi việc.
Sau khi tiến hành thử nghiệm chấm thủ cung sa, quan phủ xét hỏi kết luận, Hà Phương Tử bị hàm oan, Lâm Mật mắc trọng tội. Cụ thể, quan phủ mời 3 người phụ nữ tới và tiến hành nhỏ lên vai của họ một vết thủ cung sa, và sau đó sai người đặt con thạch sùng lên vai của một người phụ nữ.
Kết quả là con thạch dùng lập tức liếm sạch vết đỏ của thủ cung sa. Trong khi đó, hai người phụ nữ còn lại được yêu cầu không tắm rửa trong một khoảng thời gian thì dấu vết thủ cung sa lại không hề bị mất dù sau đó có tẩy rửa.
Thủ cung sa chỉ có công hiệu với những người con gái chưa xuất giá, còn Hà Phương Tử thì đã có chồng nên thủ thuật này không hề có tác dụng. Dù vụ án sáng tỏ nhưng thủ cung sa cùng sự gia trưởng, tàn nhẫn của người chồng đã hại chết người vợ thủy chung như Hà Phương Tử.
Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, khả năng ứng nghiệm kiểm tra trinh tiết của thủ cung sa có lẽ là lời đồn vô căn cứ vì chúng chẳng có mối liên hệ nào cả.
Hơn nữa, việc cho con thạch sùng ăn tới 7kg chu sa, một loại chất kịch độc có công thức hóa học là HgS thì thật vô lý. Bởi vì, HgS rất độc hại, làm sao con thạch sùng có thể ăn được và chịu đựng trong một thời gian dài như vậy.
Có vẻ như những ghi chép về thủ cung sa vẫn còn khá mơ hồ, nhưng kỳ thực thủ thuật này từng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ thời xưa ở Trung Quốc. Vết chấm đỏ trên cánh tay dường như chỉ là một sản phẩm của xã hội gia trưởng, nam quyền muốn "trói buộc" và kiểm soát, bắt những người phụ nữ của mình phải chung thủy.
Hơn nữa, lời đồn đại lan truyền từ trong cung cấm ra dân gian cũng khiến nhiều phụ nữ xưa kia kinh hãi về công dụng đáng sợ của thủ cung sa và họ phải hết sức cẩn thận để giữ gìn vết chấm đỏ trên tay mình mà không dám nghĩ đến chuyện phản bội hay dan díu với người khác.
Nói cách khác, vết chấm thủ cung sa có lẽ chỉ đóng vai trò giống như một phương pháp ám thị tâm lý, một cái "vòng kim cô" mà những người đàn ông trong xã hội nam quyền tự cho mình năm thê bảy thiếp nhưng lại bắt phụ nữ chỉ được phép chung thủy với họ suốt đời.
Theo Nguyễn Hằng (Soha/Helino)