Trang Daily Mail đưa tin, Catherine Coleman cho hay cô nhận công việc trợ lý cho một công chúa Arab Saudi vì muốn phiêu lưu và bị hấp dẫn bởi mức lương cao. Cô cũng muốn tìm sự mới mẻ cho bản thân sau nhiều năm kinh doanh đồ cổ.
Tuy nhiên, cô không ngờ rằng, ác mộng trần gian đang chờ đợi mình trong 3 tháng làm việc. Trong một bài chia sẻ với tờ The Times, Catherine nhớ lại sự tàn bạo của công chúa hoàng gia (giấu tên) - người đánh đập kẻ hầu người hạ và coi họ không khác gì thú vật.
Catherine, với công việc quản lý đội ngũ nhân viên người Philippines, cho biết cô được yêu cầu trừng phạt nếu ai không tuân thủ bất kỳ luật lệ nào của công chúa. Những người hầu ở dưới đáy của hệ thống nhân viên; quản gia, trợ lý, giáo viên và bảo mẫu nằm ở tầng lớp trên.
Catherine cũng phải tuân theo một số điều luật dành riêng cho mình với danh sách quy tắc dài 4 trang. Danh sách bao gồm: không tranh cãi với người hoàng gia ngay cả khi bạn đúng, không bao giờ được quay lưng lại với người hoàng gia, không được quan hệ tình cảm, không được kết bạn với các nhân viên khác...
Cô thường xuyên phải làm việc đến 4 giờ sáng. Trong một chuyến đi đến Paris, cô phải cọ nhà vệ sinh của những người ở "tầng lớp trên" và giặt quần áo của họ bằng tay thay vì dùng máy, mỗi người mặc 5 bộ quần áo một ngày.
Được biết, Catherine đảm nhận vai trò quản gia và trợ lý cá nhân 5 năm trước. Cô được cảnh báo nếu vi phạm pháp luật ở nước này và bị bắt, chính quyền Arab Saudi sẽ không có trách nhiệm phải thông báo với đại sứ quán và cô cũng không được thuê luật sư.
Trong thời gian làm việc ở hoàng gia, Catherine kể cô nhìn thấy bức ảnh chấn thương của các nhân viên sau khi bị đánh đập. Điều này khiến cô cảm thấy khó chịu. Hình phạt mà công chúa đưa ra là một người hầu sẽ đổ xô nước đá lên đầu người bị phạt, sau đó bị bắt đứng ngoài trời cho đến sáng hôm sau.
Những người hầu chia sẻ với Catherine rằng mỗi lần bị đánh, họ thường được cho trang sức hoặc tiền, và việc họ nhận món quà đồng nghĩa với việc là họ chấp nhận tha lỗi cho người đã đánh họ. Nhưng không lâu sau đó, sự tức giận của Catherine đối với người chủ của mình lại tăng lên. Và sau 3 tháng trong hợp đồng thời hạn một năm, mối quan hệ giữa công chúa và trợ lý tan vỡ hoàn toàn.
Công chúa nhận thấy rằng trợ lý của cô đã không quản lý và trừng phạt nhân viên đúng theo cách yêu cầu mà cô đưa ra. Catherine kể lại: "Một lần, có bát đường nhỏ trong phòng của người hầu. Cô ta bảo tôi trừng phạt họ bằng cách rải đồ của họ ra nhà và đổ nước đường lên trên đó. Thay vì làm loạn như công chúa yêu cầu, tôi không dùng nước đường, mà chỉ đổ đồ đạc của họ lên giường. Sau đó tất cả sự tức giận của cô ta chuyển sang tôi".
Ngày hôm sau, Catherine được gửi đi giám định tâm thần mà không có lời giải thích. Cô bảo, đây là lúc cô nhận ra con người của công chúa này - người hiếm khi rời khỏi phòng ngủ, cảm thấy việc tàn nhẫn với người khác là trò giải trí của bản thân. Catherine muốn rời đi nhưng cô không thể rời khỏi Arab Saudi mà không có sự cho phép của chủ. Cô cũng không thể phá vỡ hợp đồng với mức phạt 4.000 USD (hơn 90 triệu đồng), cũng như phải trả nốt tiền hoa hồng cho công ty tuyển dụng.
Bởi vậy, Catherine tìm cách khiến công chúa tự kết thúc hợp đồng và cho phép rời khỏi đất nước. Cô làm việc này bằng cách đe dọa kể lại sự tàn bạo của công chúa cho anh trai tốt bụng và hiền lành của cô, cũng là người bảo hộ của nàng công chúa này. Theo quy định, phụ nữ ở Arab Saudi đều có người bảo hộ là nam. Trong thời gian, Catherine còn làm việc, họ không thể làm gì nếu không được sự cho phép của người giám hộ.
Luật lệ giờ đây đã được nới lỏng một chút, cho phép phụ nữ trên 21 tuổi được tự do trong một số trường hợp, bao gồm được sở hữu hộ chiếu mà không cần xin phép người giám hộ. Catherine cho biết, cô giải thích với công chúa rằng cô sẽ không kể chuyện cho anh trai nếu công chúa cho cô về nhà mà không bị cản trở gì. 2 tiếng sau khi nói chuyện, Catherine nhận được một phong bì chứa visa về nước và cô bay về nhà ngay ngày hôm sau.
"Nói lời tạm biệt với các nhân viên khác khi biết rằng họ không có cách nào trốn thoát, là một trong những điều khó khăn nhất mà tôi phải làm. Nhưng tôi phải trốn thoát, vì lương tri và sự sống còn của bản thân".
Theo Diệp Lục (Nhịp Sống Việt)