Sự lột xác của quân đội Nga dưới thời Putin

07/05/2018 14:09:21

Từ một lực lượng lạc hậu, yếu kém, quân đội Nga trỗi dậy và vươn ra toàn cầu nhờ chương trình cải cách quy mô lớn của Putin.

Sau thảm họa tàu ngầm hạt nhân Kursk bị đắm ở Biển Barents năm 2000, thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa mới nhậm chức, nhiều người ngỡ ngàng khi biết rằng lương của hạm trưởng chiếc tàu ngầm này chỉ là 200 USD mỗi tháng. Thực tế này cho thấy quân đội Nga đã bị suy giảm về sức mạnh và danh tiếng đến mức nào kể từ khi Liên Xô tan rã.

Sự lột xác của quân đội Nga dưới thời Putin
Putin chụp ảnh cùng các học viên sĩ quan Nga ở Moskva. Ảnh: RT.

Dưới thời tổng thống Boris Yeltsin và trong thời gian đầu nhiệm kỳ của Putin, ngân sách quốc phòng Nga giảm từ mức 246 tỷ USD năm 1988 xuống còn 14 tỷ USD năm 1994, quân số giảm từ 5 triệu người xuống còn một triệu người, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Khi Yeltsin phát động cuộc chiến chống phiến quân ở Chechnya, Bộ tổng tham mưu quân đội Nga chỉ huy động được 65.000 người, dù nắm trong tay đội quân về lý thuyết có tới một triệu binh sĩ.

Trên bình diện quốc tế, sau khi rút khoảng 700.000 quân khỏi Afghanistan, Đông Đức, Mông Cổ và Đông Âu, tiếng nói của Nga trong các vấn đề thế giới ngày càng suy giảm. Nga phản đối chiến dịch không kích của NATO vào Nam Tư năm 1999 và cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003, nhưng ảnh hưởng của nước này quá yếu để ngăn cản các động thái đó của phương Tây. Ưu tiên phát triển quân sự cao nhất của Nga khi đó vẫn chỉ là năng lực răn đe hạt nhân, điều duy nhất có thể bảo vệ chủ quyền và an ninh cho Moskva.

Nhưng kể từ khi Putin bắt đầu cuộc cải cách quân đội và tăng mạnh chi tiêu quốc phòng từ năm 2008, quân đội Nga đã lột xác hoàn toàn và sở hữu những sức mạnh mới giúp Moskva gia tăng ảnh hưởng và tiếng nói trong các vấn đề quốc tế.

Đây là lý do khiến bình luận viên Dmitri Trenin của Foreign Affairs tin rằng Putin đã hồi sinh quân đội Nga trở thành một lực lượng có sức mạnh và tầm ảnh hưởng thực sự trên thế giới, sau gần 1/4 thế kỷ chìm trong hỗn loạn và yếu kém.

Quyết định cải cách

Putin nhận ra nhu cầu bức thiết về việc hiện đại hóa quân đội Nga từ sau chiến dịch quân sự ở Gruzia tháng 8/2008 nhằm bảo vệ Cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia khỏi các cuộc tấn công của quân đội Gruzia thân phương Tây.

Sự lột xác của quân đội Nga dưới thời Putin - 1
Lính Nga tham chiến ở Gruzia năm 2008. Ảnh: Sputnik.

Chiến dịch kéo dài 5 ngày này được coi là một thành công, khi Nga ngăn cản được NATO mở rộng ảnh hưởng sang phía đông, bảo vệ lợi ích chiến lược ở khu vực phía tây và phía nam và cho thấy những hạn chế trong hoạt động can thiệp quân sự của phương Tây ở khu vực. Tuy nhiên, chiến dịch cũng bộc lộ vô số điểm yếu cố hữu của quân đội Nga.

Lính Nga chiến đấu ở Gruzia với các vũ khí lạc hậu, trong khi các sĩ quan phải sử dụng điện thoại di động để ra lệnh khi mạng lưới liên lạc quân sự liên tục bị hỏng. Để giành chiến thắng trước một đối thủ yếu hơn rất nhiều, Nga đã mất tới 5 máy bay quân sự, trong đó có một máy bay ném bom chiến lược, điều rất khó chấp nhận trong chiến tranh hiện đại.

Chỉ hai tháng sau đó, Putin ra lệnh tiến hành một chương trình hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội đầy tham vọng. Với chi phí ước tính lên tới 700 tỷ USD tới năm 2020, chương trình này nhằm biến quân đội Nga từ một lực lượng cồng kềnh chuyên đối phó với chiến tranh tổng lực giữa các cường quốc thành đội quân tinh gọn hơn, phù hợp hơn với các cuộc xung đột khu vực và cục bộ.

Dưới sự chỉ đạo của Putin, quân đội Nga đoạn tuyệt với mô hình được xây dựng từ năm 1870 để áp dụng cấu trúc lực lượng linh hoạt hơn, cho phép triển khai binh sĩ một cách nhanh chóng mà không cần tiến hành hoạt động huy động binh lực quy mô lớn. Hệ thống kiểm soát và chỉ huy cũng được thay đổi nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng và sẵn sàng chiến đấu cho binh sĩ.

Từ năm 2009, Nga bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận bất ngờ quy mô lớn, sau gần hai thập kỷ gián đoạn vì thiếu kinh phí. Những cuộc hành quân, triển khai lực lượng cấp sư đoàn, quân khu được ra lệnh một cách chóng vánh, không có kế hoạch từ trước đã giúp quân đội Nga tăng cường đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu mọi lúc, mọi nơi.

Cùng với đó, thu nhập của sĩ quan, binh sĩ Nga được cải thiện đáng kể nhờ ngân sách quốc phòng liên tục tăng. Khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra vào năm 2014, quân đội Nga đã trở thành một lực lượng lớn mạnh hơn rất nhiều so với đội quân trang bị lạc hậu từng tham chiến ở Gruzia hơn 5 năm trước đó.

Thử lửa

Khi phong trào đấu tranh đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine từ tháng 2/2014, quân đội Nga được cho là hậu thuẫn tích cực cho các lực lượng dân quân ở Donbass chống lại quân đội chính phủ Ukraine. Các quan sát viên cho rằng Nga đã thực hiện chiến thuật "chiến tranh lai" ở miền đông Ukraine, khi hỗ trợ về hậu cần và tình báo cho các nhóm ly khai, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn gần biên giới Ukraine để răn đe Kiev.

Đây được coi là lần "thử lửa" đầu tiên của quân đội Nga sau đợt cải cách quy mô lớn, khi sự hiện diện của họ ở gần biên giới Ukraine phát đi tín hiệu mạnh mẽ tới NATO: Hãy tránh xa cuộc xung đột, nếu không muốn lửa chiến sự lan tới.

Trong khi các oanh tạc cơ chiến lược, tiêm kích của Nga lượn lờ gần không phận Anh, Mỹ và áp sát chiến đấu cơ phương Tây trên Biển Baltic và Biển Đen, Putin tuyên bố trên truyền hình Nga rằng ông đang xem xét đặt lực lượng hạt nhân chiến lược Nga vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao để bảo vệ lợi ích ở Ukraine.

Những động thái này của Putin đã khiến lãnh đạo Ukraine từ bỏ kế hoạch mở cuộc tấn công tổng lực vào Donbas để đàn áp phong trào ly khai. Chúng cũng thách thức trực tiếp quyền lực của Mỹ trong khu vực, thể hiện Nga giờ đây đã có đủ năng lực để cạnh tranh về quân sự với NATO.

Tuy nhiên, hoạt động của quân đội Nga tại biên giới Ukraine cũng chỉ nằm trong mô hình phô trương sức mạnh ở các lãnh thổ thuộc Liên Xô trước đây. Putin đã phá vỡ khuôn mẫu này vào tháng 9/2015, khi điều hàng chục chiến đấu cơ tới Trung Đông để tham gia chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Sự lột xác của quân đội Nga dưới thời Putin - 2
Putin phát biểu trước các binh sĩ Nga ở Syria năm 2017. Ảnh: Sputnik.

Chiến dịch không kích chống IS ở Syria đánh dấu lần đầu tiên quân đội Nga có sự hiện diện quân sự công khai quy mô lớn ở Trung Đông kể từ khi Liên Xô tan rã. Quy mô chiến dịch này khó có thể so sánh với các hoạt động quân sự ở nước ngoài thời Liên Xô, nhưng nó giúp nước Nga dưới thời Tổng thống Putin một lần nữa có khả năng răn đe bất cứ cường quốc nào để bảo vệ lợi ích của bản thân và phô trương sức mạnh trong phạm vi ảnh hưởng của mình.

Trong lần tham chiến quy mô lớn này, quân đội Nga dựng lên lưới phòng không ở Syria, triển khai các cường kích, tiêm kích, oanh tạc cơ chiến lược ném bom, phóng tên lửa vào phiến quân IS, sử dụng tàu ngầm, tàu chiến khai hỏa tên lửa hành trình tầm xa vào mục tiêu từ Địa Trung Hải và Biển Caspian. Với các hành động này, quân đội Nga đã phá thế độc quyền của Mỹ trong việc sử dụng lực lượng quân sự trên phạm vi toàn cầu, vốn được Washington duy trì kể từ khi Liên Xô tan rã.

Chiến dịch quân sự này không chỉ giúp Nga bảo vệ được Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh quan trọng ở Syria, mà còn giúp Putin thực hiện "sứ mệnh lịch sử" của mình là đưa nước Nga trở lại vị thế xứng đáng giữa các cường quốc. Sự can thiệp của quân đội Nga đã giúp thay đổi thế cân bằng chiến lược ở Syria và đánh dấu sự trở lại hoành tráng của Moskva ở Trung Đông sau 25 năm vắng bóng.

Theo bình luận viên Trenin, sau khi hoàn thành sứ mệnh ở Syria, quân đội Nga chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện ở Bắc Cực và các quốc gia ở biên giới phía nam cũng như khu vực Trung Á, nơi IS đang tìm cách trỗi dậy. Putin, người hôm nay chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư của nước Nga, tin rằng bằng cách xây dựng lực lượng quân đội hiện đại, hùng mạnh, Moskva mới có thể bảo vệ được lợi ích chiến lược của mình trước những mối đe dọa đến từ phương Tây.

Theo Bình An (VnExpress.net)

Nổi bật