Phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn hiện đang là vấn đề xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Giữa các tầng lớp xã hội có những sự khác biệt ngày càng rõ ràng, thể hiện trong lối sống thường ngày, thói quen mua sắm, giáo dục, giải trí...
Nhưng thậm chí, đến đường nước thải cũng có sự khác biệt. Và theo như một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Úc, đó là một sự khác biệt hết sức nặng nề giữa khu giàu và khu nghèo.
Ở đây chúng ta sẽ bỏ qua chất lượng đường ống, và cũng không phải đường ống nhà giàu có... vàng. Nó nằm ở các thành phần chất thải trong ống, và nó thể hiện rất rõ sự khác biệt về lối sống giữa 2 khu vực này.
Cụ thể nghiên cứu được thực hiện từ năm 2016, với mẫu nghiên cứu lấy từ 22 nhà máy xử lý chất thải, kiểm tra dựa trên 42 chất chỉ thị về dinh dưỡng và hóa chất. Sau đó, kết quả được đem so sánh với số liệu về giá thuê nhà, công việc và trình độ học vấn tại từng khu.
"Kết quả cho thấy mức độ lạm dụng các hóa chất như opioid (thuốc giảm đau) hoặc chất kích thích bất hợp pháp có liên quan tới phân hóa xã hội. Chúng tôi cũng xét nghiệm các hóa chất thể hiện chế độ ăn của cá nhân, và xem liệu chế độ ăn sẽ liên quan thế nào đến trình độ học vấn của cư dân," - các chuyên gia cho biết.
Và những gì họ tìm ra quả thực đáng chú ý.
Tại các khu vực giàu có, kết quả kiểm tra cho thấy chế độ ăn của họ tốt hơn. Vitamin B tự nhiên (không phải dạng thuốc và thực phẩm chức năng) được tìm thấy nhiều ở những khu vực có giá thuê nhà cao. Điều này cũng trùng khớp với một số nghiên cứu trước kia, cho thấy tình trạng kinh tế xã hội thấp thường có chế độ ăn không đủ chất.
Ở các khu nhà giàu, dấu hiệu cho thấy họ ăn nhiều hoa quả, rau xanh và ngũ cốc - những thực phẩm được đánh giá là tốt cho sức khỏe. Có điểm thú vị là khu vực này cũng tiêu thụ nhiều cafe hơn, nhưng là các loại cafe rang xay trực tiếp chứ không phải cafe đóng gói.
"Chúng tôi cho rằng việc tiêu thụ nhiều cafe ở khu vực này phản ánh 2 điều. Đầu tiên là sự tự do về tài chính cao hơn, và hai là văn hóa uống cafe phổ biến đối với nhóm có tiềm lực tài chính cùng trình độ giáo dục cao."
Còn với khu vực có thu nhập thấp, người ta tìm thấy dư lượng thuốc trầm cảm, thuốc giảm đau gốc opioid, và thuốc huyết áp rất cao.
"Chúng tôi cho rằng các loại thuốc chống trầm cảm là dấu hiệu cho gánh nặng tâm lý tại khu vực này," - các nhà nghiên cứu cho biết.
Hay nói cách khác, sự khác biệt giữa cả 2 khu vực là khá rõ ràng. Khu nhà giàu ăn uống đủ chất hơn, ít sử dụng các loại thuốc kích thích và thuốc chống trầm cảm, cho thấy đời sống tinh thần của họ cũng có chất lượng cao hơn.
Theo Phil M. Choi - chuyên gia đứng đầu nghiên cứu - thì báo cáo của họ có thể được dùng làm nền tảng cho các nghiên cứu sâu hơn về sức khỏe tổng quát của con người theo từng khu vực. "Kết quả cho thấy đường nước thải cũng phản ánh tình trạng kinh tế, xã hội của từng khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong các nghiên cứu khác về sức khỏe con người trong tương lai."
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PNAS.
Theo J.D (Helino)