Cuối cùng thì siêu tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nga đã chính thức nhận định danh chiến đấu. Su-57 mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ đơn thuần một cái tên. Việc đặt tên chiến đấu cho Su T-50 gây ra những làn sóng ngầm nhất định trong phương Tây.
Cuối cùng thì giây phút chờ đợi đã đến, siêu tiêm kích Nga đã mang trong mình một định danh chiến đấu Sukhoi Su-57. Việc Nga đặt tên cho máy bay chiến đấu mang nhiều ý nghĩa hơn đơn thuần chỉ là cái tên. Dường như những dòng chiến đấu Sukhoi chủ lực của Nga luôn có cách định danh nhất định. Các loại chiến đấu cơ mạnh của họ đều kết thúc bằng số 7 và thường các con số cách nhau 10 đơn vị như Su-7, Su-17, Su-27, Su-37, Su-47 và giờ là Su-57. Chiến đấu cơ ghi dấu ấn cho hãng Sukhoi đầu tiên đó chính là chiếc Su-7. Su-7 được giới thiệu vào năm 1958, và có số lượng chế tạo lên tới 1.847 chiếc trong giai đoạn từ 1957-1972. Tuy không nổi danh bằng MiG-21, nhưng những chiếc Su-7 đã ghi những dấu ấn đầu tiên cho thành công rực rỡ sau này của hãng Sukhoi. Dòng tiêm kích ghi dấu ấn thứ 2 của hãng Sukhoi đó chính là những chiếc máy bay cánh cụp cánh xòe Su-17. Sukhoi Su-17 (phiên bản xuất khẩu là Su-22) là một máy bay tấn công, được phát triển từ máy bay tiêm kích/ném bom Su-7. Loại máy bay này rất thành công và từng có thời gian dài phục vụ trong không quân Xô Viết và không quân Nga. Dòng máy bay này được xuất khẩu rộng rãi tới các nước Đông Âu, Châu Á, và Trung Đông. Việt Nam cũng đang duy trì số lượng lớn loại máy bay này. Loại chiến đấu cơ vang danh nhất chính là những chiếc Su-27. Với thiết kế khí động học vượt trội cùng khả năng mang tải trọng lớn, Su-27 là mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 thành công nhất của Nga. Trên nền tảng Su-27, hàng chục phiên bản khác nhau được thiết kế sản xuất, hiện chúng đang có mặt trong biên chế hàng chục quốc gia trong đó có Việt Nam. Không phải Su-35, Su-37 mới chính là đối thủ mạnh nhất trong gia đình chiến đấu cơ được phát triển trên nền tảng Su-27. Khả năng cơ động cực cao, kho vũ khí mạnh kết hợp với hệ thống điện tử tiên tiến khiến nó được coi là đối thủ xứng tầm của F-22. Chuyến bay đầu tiên của chiến đấu cơ Su-37 là vào ngày 2/4/1996, khi nó xuất hiện ở triển lãm hàng không Moskva. Sau đó nó tiếp tục có một chuyến bay biểu diễn ở triển lãm hàng không Farnborough 96. Khả năng bay nhanh, thiết kế cánh mũi siêu cơ động, động cơ tiên tiến cùng hệ thống điện tử tối tân, Su-37 được mệnh danh là kẻ hủy diệt bầu trời. Rất tiếc những khó khăn kinh tế đã khiến dự án này đóng cửa, những thành tựu công nghệ được chuyển cho đàn em là Su-35. Mở ra trào lưu của máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 đó chính là chiếc Su-47. Với thiết kế cánh ngược độc đáo Su-47 có một số ưu điểm nhất định như: tỷ lệ nâng trên lực cản lớn; khả năng thao diễn cao trong những trận đánh hỗn loạn, tầm hoạt động cao ở tốc độ siêu thanh. Tuy nhiên những điểm mấu chốt về kỹ thuật và sự phát triển quá nhanh của máy bay phương Tây khiến Nga dừng dự án này để dồn sức cho dự án PAK-FA (Sukhoi T-50). Năm 2002, Sukhoi đã được lựa chọn để lãnh đạo thiết kế chiếc máy bay chiến đấu mới. PAK-FA (hay Sukhoi T-50) sẽ tích hợp kỹ thuật từ cả Su-47 và MiG 1.44. T-50 nặng 35 tấn và có trọng tải tối đa khi tham chiến là 10 tấn. Nó có thể bay ở tốc độ tối đa 2.600 km/h, đạt trần bay 20.000km và có tầm hoạt động 5.500km. Trong khi radar trang bị có thể bao quát được phạm vi 400km xung quanh máy bay. T-50 có tổng chiều dài lên đến 19,8 m, sải cánh: 14 m, chiều cao: 6,05 m, diện tích cánh: 78,8 m². Sau hàng loạt thử nghiệm mẫu Su T-50 sẽ chính thức loại bỏ tên định danh của những chiếc dùng để thử nghiệm và khi đi vào sản xuất loạt chúng sẽ mang tên Su-57. Việc Nga đặt tên Su-57 cho thấy đây là bước nhảy vọt về công nghệ, cũng như sự sẵn sàng đi vào biên chế và sản xuất loạt. Điều này phần nào tạo nên những sự chú ý của phương Tây, bởi đây sẽ là đối thủ đáng gờm đối với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của họ. |
Theo Việt Hùng (An Ninh Thủ Đô)