Trong buồng lái hoàn toàn "bằng kính" trên Su-35 có các màn hình hiển thị thông tin, tuy nhiên các chú thích bằng chữ tượng hình của Trung Quốc lại không hiển thị được.
Su-35 Trung Quốc sẽ mạnh ngang Su-35 Nga?
Lực lượng không quân Trung Quốc sẽ tiếp nhận 24 chiếc Su-35, gần giống với phiên bản mà Không quân Nga đang sử dụng. Thông tin này được nêu ra trong báo cáo năm 2016 của Tập đoàn "Rostech" và được hãng thông tấn "Interfax-AVN" trích lại cách đây ít ngày.
Theo tài liệu nêu trên, vào tháng 10/2016, Nga và Trung Quốc đã thống nhất về ngoại và nội thất của lô hàng máy bay tiêm kích Su-35 cùng những trang thiết bị và phụ tùng được Tập đoàn "Rostech" sản xuất giành cho cỗ máy này.
Được biết, từ năm 2016, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ điện đàm (Nga) ông Givi Janjgava trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông đã tuyên bố rằng, sự khác biệt duy nhất của phiên bản xuất khẩu cho Trung Quốc đó là trong tổ hợp điện tử của nó sẽ được trang bị các block tích hợp hệ thống định vị vệ tinh BeiDou do Trung Quốc sản xuất.
Tuy nhiên, phương thức hiển thị thông tin dữ liệu vẫn là của Nga. Khi đó, ông Janjgava chia sẻ rằng Trong buồng lái hoàn toàn "bằng kính" trên Su-35 có các màn hình hiển thị thông tin, tuy nhiên các chú thích bằng chữ tượng hình của Trung Quốc lại không hiển thị được.
Sau khi thảo luận với các chuyên gia người Trung Quốc, các bên thống nhất giữ nguyên các màn hình chữ Cyrillic thay vì chuyển mã chữ tượng hình.
Tiêm kích Su-35 do Nga chế tạo. |
Được biết, vào năm 2015, Trung Quốc chính thức trở thành khách hàng đầu tiên đặt mua chiếc máy bay tiêm kích đa năng Su-35 của Nga. Tổng cộng Lực lượng Không quân Trung Quốc sẽ tiếp nhận 24 cỗ máy với tổng giá thành ước vào khoảng gần 2 tỷ USD.
Trước đó, Su-35 chỉ được Không quân Nga sử dụng. Vào tháng 4/2015, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình "Rossia-24", lãnh đạo tập đoàn chế tạo hàng không Nga, ông Yury Slyusar đã thông báo rằng, trong năm 2017 Nga sẽ bàn giao cho Trung Quốc 10 chiếc máy bay Su-35.
Vào tháng 3/2017 đã từng xuất hiện thông tin cho rằng Nga đã bàn giao lô 4 chiếc máy bay tiêm kích đầu tiên cho Không quân Trung Quốc.
Từ đó nảy sinh một câu hỏi: Việc bán cho Không quân Trung Quốc các máy bay "cùng phiên bản" mà Không quân Nga đang sử dụng có hợp lý hay không nếu như tất cả đều biết người Trung Quốc khả năng sao chép công nghệ rất giỏi của họ?
"Vỏ máy bay thì có thể giữ nguyên, nhưng thiết kế bên trong có thể và cần phải thay đổi theo nhu cầu của khách hàng.
Về ý tưởng, những máy bay được Bộ Quốc phòng Nga đặt hàng phải là tiên tiến nhất, còn xuất khẩu những phiên bản với các tính năng đã được rút gọn", phó giám đốc Trung tâm phân tích thương mại quốc tế (Nga), ông Vladimir Shvarev cho biết.
Mỗi một sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài đều có bản thuyết minh tính năng xuất khẩu. Tôi nghi ngờ rằng các máy bay của Không quân Nga và Không quân Trung Quốc giống nhau.
Chúng sẽ phải khác nhau, bởi vì hoạt động xuất khẩu máy bay hoặc xe thiết giáp đó là chuyển giao hàng hóa cho khách hàng nước ngoài mà có thể mổ xẻ và khai thác với mục đích nào đó gây phương hại cho người bán trong tương lai.
Cho nên khí tài xuất khẩu có thể được thiết kế với mức giá thấp hơn, và được bán cho những quốc gia mà giá thành sản phẩm đóng vai trò then chốt.
Trong trường hợp liên quan tới Su-35, khi không có thông tin cụ thể, thì khó có thể phỏng đoán các máy bay này khác nhau như thế nào, nhưng có thể có sự khác biệt khó nhận biết trong các thiết bị điện tử.
Hình ảnh được cho là của một trong số những chiếc Su-35 đầu tiên Nga đã bàn giao cho Trung Quốc. |
Nếu không thì Không quân Nga và Trung Quốc sẽ cùng sở hữu các máy bay tiêm kích cùng tính năng, mà như thế sẽ là một quyết định gây tranh cãi và lạ lùng, thậm chí cả trong bối cảnh mối quan hệ Nga – Trung đang phát triển tốt đẹp.
"Phiên bản xuất khẩu truyền thống có một số tính năng được rút gọn và kém hơn – điều này không phải bàn cãi nhiều. Lấy ví dụ, hệ thống nhận dạng định vị quốc gia ("Quân ta-quân địch") không bao giờ được mang ra xuất khẩu", giám đốc điều hành cơ quan "Aviaport" (Nga), ông Oleg Panteleev chia sẻ.
Câu hỏi mang tính nguyên tắc nằm ở chỗ khác: nếu lấy ví dụ, hợp đồng bán Su-30MKI (cho Ấn Độ) hoặc những phiên bản xuất khẩu khác với điều kiện nâng cấp khá sâu các thiết bị điện tử, có nghĩa là lắp đặt và tích hợp một số lượng đáng kể các hệ thống do khách hàng lựa chọn.
Trong trường hợp này, Ấn Độ quan tâm tới việc các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hàng không Nga có thể đưa ra những lời chào hàng gì cho họ. Từ quan điểm này, không thấy có bất cứ vấn đề và rủi ro nào đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Ngoài ra, phương pháp truyền thống cũng được tính đến ở đây. Nhưng đó là những thứ mà ban lãnh đạo Tập đoàn "Rostech" cho rằng không cần thiết phải công bố...
Nga có lo Trung Quốc sao chéo công nghệ Su-35?
Tất cả đều hiểu rõ rằng Trung Quốc đã, đang và sẽ sao chép những công nghệ cho tới khi vẫn còn có người cung cấp cho họ các giải pháp tiên tiến hơn những gì Trung Quốc đang sở hữu.
Mặt khác, chúng ta đang thấy rằng có một vài hệ thống kỹ thuật phức tạp khó có thể đạt được những tính năng tương tự nếu sao chép. Đó là bao gồm một số phần mềm chuyên biệt,... Vì thế, cả chúng ta và Trung Quốc đều hiểu rằng sao chép trực tiếp không thể mang lại kết quả "đầu ra" tương tự.
Trong nhiều tài liệu tập trung phân tích về các chương trình quân sự tiềm năng của Trung Quốc, các quan sát viên đều thống nhất rằng chiếc máy bay tiêm kích hạng nặng J-20 thế hệ thứ 5 của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được sử dụng để chống lại các biên đội tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ.
Thế còn nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không tầm xa, giới quân sự Trung Quốc dự kiến giao cho Su-35.
Cỗ máy này, một mặt, sở hữu tiềm năng lớn về tầm hoạt động. Mặt khác, Su-35 có khả năng tham gia vào các trận không chiến với những máy bay tiêm kích hiện đại nhất của đối thủ tiềm tàng, và không chỉ ở tầm xa khi sử dụng hệ thống radar và những tên lửa tầm xa, mà cả trong cận chiến.
Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, chuyên gia về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, ông Vasily Kashin cho biết rằng, hiện nay những tính năng của các khí tài phục vụ xuất khẩu không bị cắt giảm, còn nếu có thì cũng khó phát hiện.
Thực tế việc giảm bớt các tính năng của những loại vũ khí và khí tài quân sự phục vụ xuất khẩu từng được áp dụng vào thời kỳ Liên Xô, việc này đã khiến Liên Xô và các đối tác của mình tốn kém khá nhiều tiền...
Trong suốt thập niên 90 và những năm 2000, các doanh nghiệp sản xuất vũ khí của Nga đã xuất khẩu những khí tài hiện đại hơn so với quân đội của mình đang sử dụng.
Hiện nay, trong quá trình xác định nội và ngoại thất của khí tài quân sự với khách hàng nước ngoài, những tính năng không bị cắt giảm nhiều. Nếu có thì không đáng kể, và, thông thường, điều đó có ít người biết.
Trong trường hợp liên quan tới Su-35, theo quan điểm của "Rostech", chiếc máy bay này được chế tạo để sử dụng trong nước (theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga) và phiên bản xuất khẩu gần như không có sự khác biệt, bởi vì nó vẫn được trang bị các thiết bị điện tử tương tự.
Nếu có đưa vào những thay đổi nào đó, thì theo quan điểm của tập đoàn "Rostech" và báo cáo của đơn vị này, đó là các chi tiết không đáng kể.
Sự khác biệt lớn nhất của Su-35 so với các phiên bản trước đây trên khung sườn Su-27 đó là động cơ AL-41F1S và trạm radar N035 "Irbis" mà rất khó có thể sao chép nếu chỉ mổ xe nguyên mẫu.
Có thể hiểu được rằng các kỹ sư và chuyên gia thiết kế Trung Quốc sẽ nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng những máy bay đã đặt mua và chắc chắn sẽ cóp nhặt cái gì đó cho mình.
Nhưng đây không phải là quá trình một sớm một chiều, còn Nga trong khi đó sẽ có cơ hội đầu tư các khoản tiền thu được từ việc bán các máy bay đó vào những hoạt động nghiên cứu của mình.
Ngoài ra, nếu nói về radar của Su-35, thì với tất cả những tính năng siêu việt của mình, khó có thể nói nó sẽ đóng góp được bao nhiêu vào chiến lược phát triển hệ thống định vị sóng hàng không của Trung Quốc.
Người Trung Quốc, trong thời gian gần đây, lắp đặt trên tất cả các máy bay của mình radar mảng pha chủ động (AFAR), còn trên Su-35 là hệ thống radar mạnh nhưng là loại mảng pha thụ động (PFAR). Bởi vậy, không thể nói rằng hệ thông PFAR sẽ đáp ứng được nhu cầu của Trung Quốc.
Theo Bảo Lam (Thời Đại)