Không chỉ bị Liên Xô truy đuổi, máy bay SR-71 Blackbird của Mỹ còn chết hụt bởi pha đánh chặn bằng tên lửa S-75 Dvina từ phòng không Triều Tiên.
Sự kiện phòng không Triều Tiên bắn hụt máy bay SR-71 được trang War History Online nói đến khi dựa vào những tài liệu bí mật có được. Theo nguồn tin này, tháng 8/1981, máy bay SR-71 nhận nhiệm vụ bay trinh sát trên bán đảo Triều Tiên nhằm giám sát các hoạt động quân sự mà Mỹ cho là bất minh của Bình Nhưỡng.
Khi vừa bay qua khu phi quân sự (DMZ) trên bán đảo Triều Tiên, viên phi công điều khiển máy bay SR-71 là Maury Rosenberg hoảng hốt phát hiện một quả tên lửa đất đối không của Triều Tiên bắn lên theo đường di chuyển của chiếc máy bay này.
Máy bay SR-71 Blackbird. |
Việc Maury Rosenberg phát hoảng là bởi dù SR-71 là phi cơ siêu thanh nhưng lại rất hạn chế ở tính năng cơ động trong phạm vi hẹp. Chính vì vậy, SR-71 sẽ không thể thực hiện động tác bay tránh né tên lửa như chiến đấu cơ.
Trước tình huống bất ngờ diễn ra trước mắt, điều duy nhất phi công Rosenberg có thể làm là lái chiếc SR-71 tránh càng xa tên lửa Triều Tiên càng tốt. Và may mắn đã đến với máy bay Mỹ bởi sau khi đổi hướng bay, quả tên lửa vẫn bay theo quỹ đạo định trước.
Và ngay sau đó, khi đạt tới tầm cao giới hạn của dòng tên lửa S-75 Dvina, chúng đã phát nổ chỉ cách SR-71 khoảng trên 2,4 km và hình ảnh này có thể nhìn thấy bằng mắt thường và đã được máy bay Mỹ ghi lại.
Không chịu bỏ cuộc khi quả tên lửa S-75 Dvina bắn hụt, Triều Tiên đã cố gắng bắn tên lửa thứ 2 vào SR-71 nhưng nhờ tốc độ nhanh (Mach 3), Blackbird đã kịp thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi tên lửa bay đến.
Và chính nhờ tốc độ cao đã khiến chiếc máy bay này thoát nạn không chỉ từ tên lửa Triều Tiên mà từ nhiều chuyến truy đuổi bỏng rát của máy bay và tên lửa Liên Xô thời Chiến tranh lạnh.
SR-71 Blackbird đã phục vụ trong Không quân Mỹ (USAF) từ năm 1964 đến 1998, với 12 trong tổng số 32 máy bay chế tạo bị tổn thất nhưng không một chiếc SR-71 nào bị mất do tấn công bằng tên lửa của đối phương.
Để có được thành tích này, SR-71 được được thiết kế đặc biệt với những chiếc chóp hình côn phía đầu máy máy bay. Đây là một phần của hệ thống điều khiển tiết lưu, di chuyển xung quanh để đảm bảo tỷ lệ không khí làm mát động cơ một cách ổn định.
Nếu có quá nhiều hoặc quá ít không khí sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ siêu thanh, phát sinh mất mát tức thì, đưa máy bay vào trạng thái nguy hiểm, mà người ta quen gọi là "mất lái", dẫn đến thảm họa không lường hết. Cùng với thiết kế đặc biệt và được chế tạo bằng titan, SR-71 đã đạt tốc độ chính thức Mach 3 (tương đương 3.600km/h).
Mỹ lén dùng?
Theo nguồn tin từ Không quân Mỹ (USAF), mặc dù đã giải ngũ từ năm 1999, nhưng đến nay SR-71 vẫn chưa nghỉ hưu theo đúng nghĩa, vẫn được NASA sử dụng cho một số nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu phục vụ cho việc sản xuất thiết bị bay phục vụ cho chương trình chinh phục vũ trụ.
Kể từ chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, ba ngày trước lễ Giáng sinh 1964, máy bay trinh sát chiến lược tầm xa SR-71 Blackbird của Mỹ đã đạt nhiều kỷ lục, nhưng đến nay nhiều điều có liên quan về SR-71 vẫn chưa khám phá hết.
SR-71 ra đời để giúp USAF giảm thiểu mặt cắt radar, cho dù tín hiệu radar của nó vẫn có thể phát hiện được bởi các hệ thống radar hiện đại, song không giống máy bay "tàng hình" đàn em.
Ưu thế tự vệ của SR-71 chính là tốc độ và trần bay lớn, một khi phát hiện thấy tên lửa đất đối không của đối phương, cách thoát hiểm đơn giản nhất của SR-71 là tăng tốc. Và nhờ chiến thuật này, chưa một chiếc SR-71 bị bắn hạ bằng tên lửa đối phương trong quá trình hoạt động.
Clip tên lửa Triều Tiên đánh hụt máy bay SR-71 Blackbird |
Theo Mỹ Đức (Đất Việt)