Tổng thống Yoon, một nhà lãnh đạo phe bảo thủ, chưa từng đạt tỷ lệ ủng hộ cao ở Hàn Quốc. Chiến thắng của ông được giới phân tích mô tả là kết quả trưng cầu dân ý về những thất bại của người tiền nhiệm Moon Jae-In nhiều hơn là sự ủng hộ dành cho ông Yoon, theo New York Times.
Ông Yoon, 63 tuổi, từng là tổng công tố viên Hàn Quốc Hàn Quốc tham gia truy tố và kết tội cựu tổng thống Park Geun-hye, sau khi bà này bị luận tội. Ông Yoon cũng từng tham gia các vụ điều tra cựu tổng thống Lee Myung-bak và tập đoàn Samsung, theo New York Times.
Dưới thời tổng thống Yoon, dù Hàn Quốc mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới trong các ngành kinh doanh và giải trí, tình trạng bất bình đẳng lan rộng khiến dư luận nước này không hài lòng. Giá nhà tăng cao khiến người dân phải sinh sống trong những căn nhà chật hẹp với chi phí ngày càng tăng. Sinh viên mới tốt nghiệp gặp khó khăn khi tìm việc làm, đôi lúc cho rằng thế hệ đi trước đã ngăn chặn họ tìm việc.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc khi đối mặt với khó khăn kinh tế đã từ chối kết hôn và sinh con, khiến nước này ghi nhận tình trạng dân số già nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Cử tri Hàn Quốc đổ lỗi cho các đối thủ chính trị cũng như người nhập cư và các nhà hoạt động bình đẳng giới.
Những ý kiến chỉ trích tổng thống Yoon, người hứa hẹn giải tán bộ bình đẳng giới Hàn Quốc, cáo buộc ông thổi bùng những chia rẽ này, làm gia tăng tình trạng phân biệt đối xử đặc biệt trong nhóm thanh niên nam giới.
Tuy vậy, từ khi nhậm chức, tổng thống Yoon đã phải đối mặt với hai khó khăn lớn. Đảng Dân Chủ đối lập vẫn giữ thế đa số tại Quốc hội, sau đó tiếp tục giành thêm nhiều ghế trong cuộc bầu cử hồi tháng 04, khiến ông Yoon trở thành lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên trong nhiều thập kỷ không có đa số ủng hộ ở Quốc hội. Bên cạnh đó, tỷ lệ ủng hộ ông cũng giảm sút nghiêm trọng.
Nỗ lực ngăn cản tổng thống Yoon của các nhà lập pháp đối lập khiến chương trình nghị sự có lợi cho các doanh nghiệp của ông bị đình trệ trong hai năm. Các nỗ lực giảm thuế cho doanh nghiệp, cải cách hệ thống lương hưu và đối phó với giá nhà đất tăng cao của ông cũng bị ảnh hưởng.
Đảng Quyền lực Nhân dân của tổng thống Yoon coi cuộc bầu cử 2024 là cơ hội để giành lại thế đa số ở Quốc hội. Tuy vậy, nhiều khủng hoảng và bê bối tiếp tục xảy ra, bao gồm vụ giẫm đạp tại Itaewon, Seoul hồi cuối năm 2022 khiến 159 người thiệt mạng, cuộc đình công của các bác sĩ hay bê bối liên quan tới đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee.
Kết quả bầu cử hồi tháng 04 trao cho các phe đối lập thế đa số lớn nhất tại Quốc hội Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ. Nhiều cử tri mô tả cuộc bầu cử là "ngày phán xét", nhưng kết quả chỉ tăng thêm bế tắc trong chính quyền, hạn chế sự đồng thuận của hai đảng về các vấn đề như ngân sách quốc gia hay giải quyết phản ánh của người dân. Phe đối lập cũng nhiều lần luận tội các thành viên trong nội các của tổng thống Yoon.
Sau bầu cử, thủ tướng và nhiều cố vấn cấp cao của tổng thống từ chức. Phó chánh văn phòng của ông Yoon nhắc lại thông điệp của tổng thống, khẳng định rằng ông sẽ "cải tổ cách chính quyền vận hành".
Tổng thống Yoon tối 03/12 bất ngờ ban bố thiết quân luật. "Thông qua thiết quân luật, tôi sẽ xây dựng lại và bảo vệ đất nước Hàn Quốc tự do đang rơi vào vực thẳm hủy diệt. Tôi sẽ loại bỏ các thế lực chống nhà nước càng nhanh càng tốt và bình thường hóa đất nước," ông nói, đồng thời kêu gọi người dân "chịu đựng một số bất tiện".
Không lâu sau đó, quốc hội Hàn Quốc họp khẩn bỏ phiếu yêu cầu tổng thống Yoon bãi bỏ thiết quân luật. Lãnh đạo đảng Dân Chủ Lee Jae-myung, người đã thoát chết sau vụ tấn công bằng dao hồi tháng 01 và sau đó tuyệt thực để phán đối chính quyền của tổng thống Yoon, cho rằng ông Yoon đã "phản bội nhân dân".
Vài giờ sau, tổng thống Yoon cho biết sẽ chấp thuận yêu cầu của Quốc hội và dỡ bỏ thiết quân luật trong cuộc họp nội các.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)