Nhiều bất đồng
Đề cập đến các lệnh trừng phạt theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien trả lời phỏng vấn của Đài CBS rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cảm nhận được tác động của các lệnh trừng phạt”. Ông O’Brien cho rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ với sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng.
Vị Cố vấn an ninh này đưa ra tuyên bố trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đến Washington vào ngày 13/11. Theo đó, dự kiến Tổng thống Erdogan sẽ có các cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh hai đồng minh NATO đang bất đồng về một loạt vấn đề.
Một trong những vấn đề bất đồng chính của hai bên là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Washington xem vũ khí này không tương thích với hệ thống phòng thủ của NATO và đe dọa máy bay chiến đấu F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất.
Bất chấp cảnh báo trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận lô hàng S-400 đầu tiên từ Nga hồi tháng 7. Đáp lại, Washington loại Ankara khỏi chương trình F-35 mặc cho Thổ Nhĩ Kỳ vừa tham gia sản xuất và vừa là khách hàng mua dòng máy bay chiến đấu này.
Nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn chưa áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào lên Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn chưa kích hoạt hệ thống S-400 nhận được từ Nga trong khi Mỹ vẫn hy vọng có thể thuyết phục đồng minh Ankara từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Moscow.
“S-400 không có chỗ trong NATO. NATO cũng không có chỗ cho các hợp đồng quân sự lớn của Nga. Đó là thông điệp rõ ràng mà Tổng thống Mỹ gửi tới Tổng thống Erdogan khi ông ấy tới đây” - ông O’Brien nhấn mạnh.
Đầu tháng này, lãnh đạo Ban Giám đốc Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đợt giao S-400 thứ hai cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị trì hoãn hơn kế hoạch dự kiến năm 2020 do các cuộc đàm phán về chia sẻ công nghệ và sản xuất chung.
Các cáo buộc
Giới chuyên gia nhận định, việc Ankara mua S-400 của Nga thực ra chỉ là một trong số nhiều vấn đề bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hạ viện Mỹ hồi tuần trước đã thông qua một dự luật trừng phạt nước này liên quan đến các cuộc tấn công lực lượng người Kurd tại miền Bắc Syria và công nhận vụ thảm sát người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman là hành động diệt chủng. Bước đi này của Hạ viện Mỹ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phía Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Tổng thống Erdogan hủy bỏ chuyến thăm Mỹ.
Ngay trước chuyến thăm, Tổng thống Erdogan cũng cáo buộc Mỹ không thực hiện thỏa thuận đã đạt được về vấn đề người Kurd tại phía Bắc Syria.
“Người Mỹ đang làm gì với các tổ chức khủng bố như “Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd?”. Họ đang tiến hành các cuộc tuần tra theo cách của họ. Đáng nhẽ họ phải rút đi. Tuy nhiên Mỹ lại tổ chức tuần tra chung với các tổ chức khủng bố trong khu vực mặc dù điều họ phải làm là phải rút đi. Điều này không nằm trong thỏa thuận của chúng tôi” - ông Erdogan nói.
Hàng loạt nút thắt chưa được tháo gỡ trong quan hệ giữa hai nước cho thấy trọng trách nặng nề trong chuyến thăm của Tổng thống Erdogan tới Mỹ lần này. Mặc dù vậy, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo có mối quan hệ cá nhân tốt. Tổng thống Trump vẫn là hy vọng tốt nhất để cứu vãn mối quan hệ đối tác giữa hai nước, với tham vọng đưa thương mại song phương lên 100 tỷ USD/năm.
Hiện chính quyền Washington đang rất bất bình trước chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây, tuy nhiên với tầm quan trọng địa chính trị trong mối quan hệ giữa hai nước, Cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O’Brien cũng phải thừa nhận rằng “mất Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh, không phải là điều tốt lành cho châu Âu hay cho nước Mỹ”.
Theo Khánh Duy (Đại Đoàn Kết)