Bloomberg trích dẫn một phân tích mới cho biết các nước giàu có thể sẽ dư ra 1,2 tỷ liều vaccine COVID-19 vào cuối năm nay, khiến họ phải đối mặt với áp lực càng tăng trong việc phân phối nguồn cung vaccine cho những nơi có thu nhập thấp hơn.
Mỹ, Anh, các quốc gia châu Âu và những quốc gia khác có thể thỏa mãn nhu cầu tiêm chủng của chính họ - cung cấp vaccine cho khoảng 80% dân số trên 12 tuổi của họ và tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng liều tăng cường - mà vẫn có số lượng lớn vaccine để phân phối lại cho toàn cầu, theo công ty phân tích Airfinity có trụ sở tại London.
Đến nay, các quốc gia này đã cung cấp một lượng nhỏ vaccine mà họ đã cam kết cho các quốc gia nghèo hơn, trong khi một số nước bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung để chống biến thể Delta.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo lắng rằng tốc độ tiêm chủng không đồng đều trên thế giới sẽ ngày càng kéo dài đại dịch và gia tăng nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể đáng lo ngại hơn. Một số ý kiến cũng kêu gọi minh bạch hơn về các thỏa thuận giữa chính phủ và nhà sản xuất.
Fatima Hassan, người sáng lập và giám đốc của Sáng kiến Công lý Y tế, một tổ chức phi lợi nhuận ở Cape Town, cho biết: "Cần phải có một tính toán toàn cầu khẩn cấp. Chúng ta cần chuyển vaccine cho những người có nhu cầu, những nơi có nhu cầu".
"Sự phân định sai lầm"
Một đánh giá độc lập về ứng phó với đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vào đầu năm nay đã thúc giục các quốc gia có thu nhập cao cung cấp hơn 2 tỷ liều vaccine cho những quốc gia và vùng lãnh thổ thu nhập thấp hơn vào giữa năm 2022.
Nhóm G7 và EU đã cam kết cung cấp 1 tỷ liều cho các nước nghèo, nhưng họ chỉ mới thực hiện được chưa đến 15% cam kết của mình, theo Airfinity.
Rasmus Bech Hansen, giám đốc điều hành Airfinity, cho biết, vấn đề thường gây phân vân là sự lựa chọn giữa việc tiêm mũi nhắc lại ở trong nước và phân bổ vaccine ở nước ngoài: "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy việc phân định như vậy là sai lầm. Bạn hoàn toàn có thể làm cả 2 việc".
Ông Hansen nói rằng sản lượng vaccine toàn cầu đang tăng đều đặn và nguy cơ gián đoạn rất khó xảy ra. Ước tính đến cuối năm 2021, sản lượng vaccine trên toàn cầu có thể vượt 12 tỷ liều, bao gồm cả vaccine sản xuất tại Trung Quốc. Con số này nhiều hơn số liều vaccine mà thế giới cần - khoảng 11 tỷ liều.
Các nước phương Tây hiện có khoảng 500 triệu liều vaccine dư và có thể phân phối lại cho nước khác - một số trong đó đã được viện trợ. Phân tích của Airfinity cho thấy con số này sẽ tăng lên khoảng 2,2 tỷ liều vào giữa năm 2022. Trong đó, vaccine Pfizer -BioNTech chiếm khoảng 45% số vaccine có sẵn và có thể phân phối cho nước khác, còn vaccine Moderna chiếm khoảng 25%.
Nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang dựa vào Covax, một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm đảm bảo việc tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng, nhưng chương trình đã không đạt được mục tiêu.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nước đang có kế hoạch tiêm liều vaccine thứ 3 bổ sung nên hoãn lại, cho đến khi các nước khan hiếm vaccine được phân phối thêm.
Các cựu thành viên của hội đồng xem xét phản ứng COVID-19 toàn cầu cho biết: "Các nước giàu đã đặt hàng gấp đôi số liều vaccine cần thiết cho dân số của họ. Bây giờ là lúc để thể hiện tình đoàn kết với những quốc gia chưa có vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu của họ và những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất".
Mỹ đã vứt bỏ ít nhất 15 triệu liều vaccine chỉ trong vòng 6 tháng
Mỹ đã vứt bỏ ít nhất 15,1 triệu liều vaccine COVID-19 kể từ ngày 1/3/2021, theo dữ liệu của chính phủ do NBC News thu được - một con số lớn hơn nhiều so với số liệu được công bố trước đó và có khả năng vẫn chưa đầy đủ.
Dữ liệu do CDC Mỹ công bố do các hiệu thuốc, tiểu bang và các nhà cung cấp vaccine báo cáo. Con số này vẫn chưa đầy đủ do vẫn còn thiếu một số tiểu bang và nhà cung cấp liên bang, và cũng chưa nêu rõ lý do khiến những liều vaccine này bị vứt bỏ.
Theo NBC News, có nhiều lý do khiến các điểm tiêm chủng phải bỏ vaccine - có thể là do lọ chứa bị nứt, do lỗi trong thành phần khiến vaccine bị hỏng trong tủ đông, hoặc do liều lượng vaccine trong lọ không đạt quy chuẩn.
Thông tin trên được công bố khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang đe dọa nước Mỹ - khiến nước này đứng trước áp lực phải đẩy mạnh tiêm liều bổ sung cho người dân.
Sharifah Sekalala, phó giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Warwick của Anh, nhận định: "Thật là bi kịch khi chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng lãng phí vaccine, trong khi rất nhiều quốc gia châu Phi thậm chí chưa có 5% dân số được tiêm chủng."
Trong khi đó, người phát ngôn của CDC, Kristen Nordlund, nói rằng tỉ lệ vaccine bị vứt bỏ tại Mỹ "vẫn còn thấp" - "đây là bằng chứng cho sự nỗ lực của chính phủ, các cơ quan pháp lý và các nhà cung cấp để đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân và giảm thiểu lãng phí vaccine".
Theo Hồng Anh (Tổ Quốc)