Theo đánh giá của NBC News và các chuyên gia hành pháp, con số nêu trên là cao bất thường ở một thành phố có khoảng 400.000 dân như Minneapolis.
Cảnh sát ở nhiều địa phương tại Mỹ thời gian gần đây đã ít sử dụng các biện pháp khống chế vùng cổ của các nghi phạm, do "có nguy cơ tới tính mạng", cũng như việc hiểu sai một người đang vùng vẫy tìm cách thở là không hợp tác, theo một phó cảnh sát tại California.
"Việc này rất dễ hiểu. Mỗi khi bạn chặn đường hô hấp của ai đó, hoặc chặn việc lưu thông máu lên não sẽ dẫn tới chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong, như chúng ta đã thấy trong nhiều thảm kịch," phó cảnh sát hạt Plumas Ed Obayashi nói.
Cảnh sát Minneapolis đã áp dụng biện pháp khống chế vùng cổ của nghi phạm 237 lần từ năm 2015, khiến 44 nghi phạm bất tỉnh, theo thông tin từ NBC News.
Trong hầu hết các vụ việc, cảnh sát chỉ áp dụng biện pháp khống chế vùng cổ khi nghi phạm bỏ chạy hoặc phản ứng khi bị bắt. Khoảng một nửa số nghi phạm bất tỉnh đã gặp chấn thương, tuy vậy mức độ chấn thương của họ như thế nào không rõ ràng.
Năm trường hợp có liên quan tới các cáo buộc tấn công cảnh sát, trong khi một số trường hợp bị cáo buộc bạo hành gia đình hoặc tấn công người khác. Tuy vậy hầu hết các trường hợp không liên quan tới các hành vi bạo lực, theo NCB News.
Trong số các nghi phạm bị khống chế vùng cổ, 60% là người da đen, 30% là người da trắng. Hầu hết các nghi phạm là nam giới.
Trước đó vào hôm 25/05, cảnh sát Derek Chauvin ở Minneapolis đã xuất hiện trong một video ghi lại cảnh anh này ghì đầu gối lên gáy George Floyd trong nhiều phút, dù người đàn ông này đã nói rằng "Tôi không thể thở". Floyd sau đó tử vong tại trung tâm y tế địa phương.
Chauvin cùng ba cảnh sát khác liên quan tới vụ việc đã bị sa thải, trong khi bản thân Chauvin bị truy tố giết người cấp độ ba và ngộ sát.
Biện pháp khống chế vùng cổ mà Chauvin sử dụng đối với Floyd không được đào tạo hay tán thành ở bất kỳ cơ quan cảnh sát nào, theo các chuyên gia hành pháp tại Mỹ.
Sở cảnh sát Minneapolis cho phép các nhân viên dùng biện pháp khống chế vùng cổ đối với các nghi phạm "cho thấy hành vi hiếu chiến", trong các mục đích cứu mạng người, cũng như đối với những nghi phạm "chủ động chống đối", để khống chế đối tượng, theo văn bản hướng dẫn của cơ quan này.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)